Sau buổi họp, đại diện chợ đầu mối Hóc Môn kết luận tám ô dùng làm căn tin trước đây nay chỉ được phép kinh doanh căn tin, không được mua bán rau củ quả, đồng thời sẽ chấn chỉnh xe lôi bán rau trong chợ.
Tuy nhiên, hiện tám ô này vẫn tiếp tục kinh doanh rau củ quả, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các sạp trong lồng chợ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết chợ đầu mối Hóc Môn có quyền ký hợp đồng với các tiểu thương về việc thuê, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ và các dịch vụ khác.
“Tám ô dùng làm căn tin diện tích lớn nhưng doanh thu cho thuê không cao. Do vậy, chợ điều chỉnh và sử dụng một phần diện tích cho tiểu thương thuê chứa rau củ quả chứ không được phép thực hiện giao dịch mua bán. Chúng tôi sẽ yêu cầu tiểu thương thuê tám ô nói trên chỉ được phép chứa hàng” - ông Dũng nói.
Xe lôi bán rau đang hoạt động trong chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: TRẦN NGỌC
Liên quan đến tình trạng rau bán trên xe lôi, ông Dũng dẫn chứng khoản 6 Điều 12 Nghị định 02/2003 của Chính phủ: “Những người thuộc diện sản xuất nhỏ, tự tiêu thụ sản phẩm của mình và những người buôn bán nhỏ, hàng rong, quà vặt được bố trí bán hàng trong chợ ở khu vực riêng”.
“Căn cứ vào quy định trên, chợ đầu mối Hóc Môn cho phép xe lôi chở rau vào bán ngay khi tiếp nhận chợ rau ăn lá ở cầu Trường Đai (giáp ranh quận Gò Vấp và 12)” - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, từ lâu chợ không kiểm định mẫu rau bán trên xe lôi. “Chợ sẽ xây những sạp cố định và cho người bán rau trên xe lôi đăng ký nếu có nhu cầu để dễ giám sát điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP)” - ông Dũng nói thêm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM, cho biết kinh doanh rau không nguồn gốc, không kiểm soát được chất lượng dễ có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Từ thông tin của báo phản ánh, Ban quản lý ATTP TP.HCM sẽ tìm hiểu và làm việc với chợ đầu mối Hóc Môn để đảm bảo rau kinh doanh trong chợ phải an toàn.