Cho F0, F1 đi làm: Chỗ ủng hộ, nơi e dè

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tỉnh Long An và Cà Mau là hai tỉnh đầu tiên hưởng ứng đề xuất của Bộ Y tế cho phép các trường hợp F0 (không triệu chứng), F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN).

Dù đã được phép nhưng nhiều nơi vẫn e ngại

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi tại các DN và các cơ quan trên địa bàn tỉnh Long An thì việc F0 đi làm vẫn còn không ít e ngại.

Đơn cử như tại Khu công nghiệp Hòa Bình, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa có gần 15.000 công nhân đi làm, với 22 DN đang hoạt động, ông Đặng Trung Tín - Giám đốc hành chính quản trị khu công nghiệp cho biết hiện tại, tại khu công nghiệp này chưa có DN nào có F0, F1 đi làm theo văn bản của tỉnh.

Các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa, Long An chưa có F0, F1 nào đi làm dù tỉnh này đã cho phép F0, F1 không triệu chứng được đến công ty. Ảnh: HUỲNH DU

106.000 là số người nhiễm COVID-19 ở tỉnh Cà Mau đến lúc này. Con số này chiếm gần 10% dân số của tỉnh.

Thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, trong hơn 10 ngày qua, số F0 của tỉnh Cà Mau luôn ở mức cao, có ngày trên 4.000 ca. 

Ông Võ Thành Tâm, một DN trên địa bàn huyện Bến Lức, cho biết công ty của ông test cho công nhân hằng tuần và công nhân tự test ở nhà, ai là F0 thì ở nhà tự cách ly, hết rồi đi làm.

 Riêng ở cơ quan nhà nước thì cũng không khác so với các DN. Một cán bộ Trung tâm Văn hóa thông tin và truyền thanh huyện Thủ Thừa, hiện đang là F0, cho biết khi test lên hai vạch, chị ở nhà, xin phép lãnh đạo được làm việc online, khi nào âm tính sẽ đi làm lại bình thường.

Theo quy định của tỉnh Long An về việc này, F0, F1 có nhu cầu làm việc vẫn ưu tiên bố trí để làm việc trực tuyến.

Nếu không thể làm việc trực tuyến mà phải đi làm trực tiếp, F0 không triệu chứng, đang trong thời gian cách ly (bảy ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính và chưa có kết quả xét nghiệm âm tính) đang làm trong cơ quan nhà nước khi đến cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách phải trên tinh thần tự nguyện và phải có sự đồng ý của thủ trưởng hoặc cấp trên trực tiếp.

Cà Mau: Đồng ý cho Fo đi làm

Ngày 17-3, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành quyết định chính thức cho F0 được đi làm trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Quy định này có hiệu lực ngay khi ban hành. 

Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau sửa đổi quy định cách ly F0, F1, F2 trong Quyết định 2777/QĐ-UBND ngày 8-12-2021. Nội dung này nay được sửa lại cụ thể: “Đối với các trường hợp F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 có nguy cơ, nguy cơ cao là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... tạm thời cho phép tham gia một số hoạt động”. 

Bao gồm được làm việc trực tiếp hoặc trực tuyến. Trước đó, ngày 14-3, tại cuộc họp với các sở, ngành của tỉnh, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau, đã kết luận cho phép F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 được đi làm.

Đây là tỉnh thứ hai trong cả nước đã phát pháo cho F0 đi làm trong bối cảnh Bộ Y tế vẫn giữ quan điểm F0 không được rời khỏi khu cách ly.

Cụ thể, thời điểm đầu tháng 3-2022, Bộ Y tế từng lên tiếng đề xuất cho F0 đi làm. Tuy nhiên, đến ngày 14-3, Bộ Y tế đã có Quyết định 604/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19.

Trong quyết định trên có nội dung “Người mắc COVID-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà”.

PV báo Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề về chủ trương cho F0 đi làm liệu có trái với quy định của Bộ Y tế không? Tuy nhiên, một lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho rằng chờ sau khi ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời về việc cho F0 đi làm sẽ bàn sâu hơn.

Nhiều doanh nhân ở Cà Mau ủng hộ

Doanh nhân Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho rằng: “Cho F0 đi làm là tốt. Thực tế có rất nhiều F0 không có triệu chứng gì cả hoặc không đáng kể. Nếu không cho họ đi làm sẽ khiến họ giảm thu nhập mà DN cũng bị mất nhân lực, có khi gián đoạn một số khâu. Tôi đồng tình với việc Cà Mau cho F0 đi làm”. 

Ông Trần Văn Trung, một doanh nhân trong lĩnh vực thủy sản và du lịch ở Cà Mau, nhận định: DN sẽ được chủ động bố trí công việc linh hoạt, vừa phòng dịch. Điều này giảm đi sự ách tắc các khâu trong sản xuất, kinh doanh như thời gian qua các DN hứng chịu.

“Ví như đơn vị chúng tôi, có rất nhiều vị trí như kế toán, thống kê hay các công việc như chăm sóc hoa cỏ, ao cá... không có sự tiếp xúc gần. Nếu họ là F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được đến làm các công việc đó thì khả năng lây nhiễm cho người khác gần như không có. Tôi ủng hộ chủ trương này. Tất nhiên, với chủ trương cho F0 đi làm, doanh nhân chúng tôi phải vất vả hơn vì phải tự nâng cao các biện pháp phòng chống dịch tại đơn vị mình” - ông Trung nói.

Ông Nguyễn Thanh Tân, một doanh nhân thủy sản ở xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, Cà Mau, cũng cho rằng: “Chủ trương cho F0 đi làm cũng phù hợp với thực tế. Chỉ cần có thêm các quy định để nâng cao ý thức của F0 khi ra đường và đến nơi làm việc là ổn. Theo tôi biết được gần đây, khi F0 nhiều lên, khi tuân thủ cách ly như quy định hiện hành, nhiều DN thủy sản ở Cà Mau thiếu lao động, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các hợp đồng kinh tế với đối tác”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm