Chờ hòa giải khi có đủ thành phần

Tòa đã thụ lý hơn nửa năm nay nhưng mỗi lần hòa giải đều không thực hiện được. Tôi thắc mắc thì tòa chỉ trả lời là thành phần hòa giải đang thiếu người này, người kia, chờ khi nào đủ thì mới tiến hành. Tôi không biết thành phần hòa giải gồm những ai, nếu như anh em tôi có người vắng mặt thì có thể tiến hành hòa giải được không? Ngoài ra cho tôi hỏi là trường hợp nào thì không được hòa giải. Vụ việc chúng tôi có nằm trong trường hợp này không?

Nguyễn Thanh Hà(Quận 6, TP.HCM)

Luật sư ĐINH VĂN LƯƠNG, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự, thành phần phiên hòa giải gồm thẩm phán chủ trì phiên hòa giải; thư ký tòa án ghi biên bản hòa giải; người phiên dịch, nếu đương sự không biết tiếng Việt. Trong trường hợp cần thiết, thẩm phán có thể yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia phiên hòa giải. Và cuối cùng là các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự.

Trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hòa giải và việc hòa giải đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thẩm phán tiến hành hòa giải giữa các đương sự có mặt. Nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả đương sự trong vụ án thì thẩm phán phải hoãn phiên hòa giải. Thẩm phán thông báo việc hoãn phiên hòa giải và việc mở lại phiên hòa giải cho đương sự biết.

Nguyên tắc hòa giải là tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình. Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không được trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Các trường hợp không được hòa giải là những yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. Những vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội (Điều 181 Bộ luật Tố tụng dân sự).

NGUYỄN ĐỊNH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm