Cho học sinh THCS theo dõi phiên tòa hình sự lưu động: Trực quan sinh động nhưng...

(PLO)- Việc cho học sinh THCS tham dự phiên tòa lưu động sẽ mang tính giáo dục cao nhưng cũng có ý băn khoăn khi độ tuổi của các em còn nhỏ, dễ bị tổn thương, chưa phù hợp lắm với những phiên tòa hình sự... 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, tại trường THCS Châu Đức (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), Phòng GD&ĐT huyện Châu Đức đã phối hợp với TAND huyện cho các em học sinh của 17 trường THCS trên địa bàn theo dõi xét xử lưu động hai vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; mua bán trái phép chất ma túy.

Trước việc nhà trường cho học sinh cấp 2 đi nghe xử, có hai luồng ý kiến trái chiều từ bạn đọc. Một số ý kiến cho rằng cho học sinh tham dự phiên tòa lưu động sẽ mang tính giáo dục cao, điều này giúp các con có nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không đồng tình vì cho rằng độ tuổi của các con chưa phù hợp.

Cách tuyên truyền trực quan, hiệu quả

Trao đổi với PLO, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Anh, giảng viên ngành tâm lý Trường Đại học Văn Lang đánh giá: Ở lứa tuổi thanh thiếu niên là lứa tuổi đã bắt đầu có quyền công dân. Ở góc độ về tâm lý, lứa tuổi này bắt đầu có những nhận thức chính xác về luật pháp, đặc biệt là các hành vi vi phạm pháp luật như buôn bán trái pháp chất ma túy, vi phạm an tòa giao thông,… Do đó, việc cho các em tiếp cận với những phiên xử thực tế có thể giúp các em nâng cao nhận thức pháp luật của mình.

Phiên xử lưu động là cơ hội để các em biết được những tình huống thực tế (không phải giả định), qua đó giúp các em có nhận thức đúng đắn hơn những điều luật đã được nghe thông qua lý thuyết. Từ đó, các em nhận thức được hành vi thế nào là phạm tội và điều chỉnh hành vi của mình.

“Các em từ 12-16 tuổi sẽ được giáo dục pháp luật từ các buổi chuyên đề về giáo dục đạo đức trong nhà trường, nhưng hình thức này vẫn còn mang tính chất sách vở. Việc tổ chức cho các em đến tại buổi xét xử lưu động sẽ cho các em trải nghiệm thực tế. Qua đây, các em có thể hiểu hơn về những lời luận tội của VKS, nhận định của HĐXX, quan điểm phản biện của các luật sư... Cũng cần nhìn nhận rằng việc tham gia các phiên tòa lưu động này sẽ không ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Tất nhiên việc lựa chọn các phiên xử có nội dung, bị cáo phù hợp cũng là điều cần lưu ý ”- PGS-TS Kim Anh chia sẻ.

Cũng dưới góc độ giáo dục và xã hội, ThS tâm lý Nguyễn Hải Uyên, thành viên Hội tâm lý trị liệu Việt Nam, việc giáo dục học sinh về luật pháp và các hành vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội thông qua theo dõi các phiên xét xử là hình thức vốn đã được triển khai tại nhiều nền giáo dục trên thế giới trong đó có Việt Nam và đạt được hiệu quả nhất định. Tại đây, học sinh được học về các hành vi pháp luật nghiêm cấm, các tội danh, mức xử phạt trong môn Giáo dục công dân.

Quá trình theo dõi phiên tòa xét xử là lúc các kiến thức này được hiện thực hóa: hiểu biết về các mô tả trong nội dung luật trở nên cụ thể (củng cố nhận thức), cảm thấy sợ trước các hình phạt (củng cố thái độ). Bên cạnh đó, học sinh cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc có hiểu biết về pháp luật và hiểu được vai trò của môn học Giáo dục công dân trong nhà trường.

Tuy nhiên, ThS lưu ý là cần có giới hạn nhất định để đạt được hiệu quả răn đe mà không tạo thành ám ảnh hay lo âu, căng thẳng cho học sinh. Cụ thể, nội dung xét xử cần có sự chọn lọc vừa phải, tần suất được tham dự chỉ nên 1-2 lần/năm học, đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham dự. Quan trọng hơn, cần xác định răn đe chỉ là một phần của giáo dục, ngoài những hành vi sai và hình phạt, học sinh còn cần được biết về hành vi đúng và hình thức khen thưởng tương ứng

xet-xu-luu-dong.jpg
Phiên tòa xét xử lưu động 2 vụ án hình sự diễn ra tại trường THCS Châu Đức với sự tham dự của lãnh đạo, giáo viên và học sinh 17 trường THCS huyện Châu Đức. Ảnh: PS

Học sinh bao nhiêu tuổi được dự phiên tòa lưu động?

Chia sẻ thêm, TS Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cao cấp hệ thống giáo dục ATY nói: “Tôi luôn ủng hộ giáo dục pháp luật cho các em. Giáo dục pháp luật ở trong nhà trường, ngoài xã hội,… giúp các em nhỏ hiểu được luật, thượng tôn pháp luật để chính các em sẽ xây dựng một nhà nước pháp quyền tốt hơn.

"Tuy nhiên, ở một số quốc gia mà tôi đã đi qua, với những gì tôi tìm hiểu được thì việc những phiên tòa giả định sẽ tốt hơn rất nhiều trong việc giáo dục pháp luật. Đối với những phiên tòa lưu động mang tính thực tế sẽ có những góc cạnh mà đôi khi ở lứa tuổi của các em chưa cần thiết phải biết đến. Chính vì thế, sẽ có những tác động tâm lý với các bạn nhỏ", TS Nhân nêu quan điểm.

Cũng theo TS Nhân, đối với những bạn có một chút về tính cách, hành vi lệnh chuẩn và có thể vi phạm pháp luật ví dụ như có hơi hướng bạo lực học đường thì có thể tham dự phiên tòa trực tiếp. Từ những phiên tòa này để các em có thể nhìn nhận đúng hơn về pháp luật và tham dự phiên tòa lưu động đối với các em nhỏ này là một hình thức để răn đe, có tác dụng giáo dục cao.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.

Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Ngoài ra, BLTTHS không quy định địa điểm xét xử tại trụ sở tòa án hay bên ngoài trụ sở Tòa án.

Quá trình xét xử, người tham gia phiên tòa phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa theo quy định tại Điều 256 BLTTHS như: Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng HĐXX, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa; người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa….

Từ quy định trên, LS Hoan cho rằng khi tòa án xét xử lưu động mà cho người dưới 16 tuổi tham dự phiên tòa nhưng họ không thuộc trường hợp do tòa án triệu tập là không đúng quy định.

“Tác dụng của việc tuyên truyền pháp luật thông qua phiên tòa lưu động có lẽ không cần bàn cãi, đây là hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động và mang tính răn đe cao. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng phải tuân theo pháp luật. Nếu việc xét xử lưu động mà vi phạm pháp luật thì giá trị tuyên truyền không những không có tác dụng, thậm chí có khi lại phản tác dụng khi người tham dự biết được việc xét xử lưu động là không đúng luật”- LS Hoan nêu ý kiến.

Nói thêm, Ths Nguyễn Đức Hiếu - Đại học Quốc tế, ĐHQG TP.HCM, cho rằng việc tổ chức phiên tòa lưu động cho học sinh THCS (độ tuổi từ 12 đến 15 tuổi) sẽ trái với quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư 01/2014 của TAND Tối cao. Theo đó, người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án (gồm phòng xử án ở trụ sở tòa án hoặc ở nơi xét xử lưu động ngoài trụ sở tòa án), trừ trường hợp được tòa án triệu tập.

ThS Hiếu cho rằng, việc xét xử lưu động nhằm mục đích răn đe đối với cộng đồng, mang tính chất giáo dục đối với mọi người và xã hội. Bên cạnh đó, hiện nay tình hình tội phạm đang theo chiều hướng trẻ hóa nên việc giáo dục cho trẻ vị thành niên cũng rất quan trọng. Từ đó, có thể hiểu được lý do tại sao nhà trường lại tổ chức cho các em tham dự phiên tòa lưu động trên.

"Dù vậy, thời gian tới, nhà trường và tòa án khi phối hợp thì bên cạnh tính hợp lý cũng cần xem xét cả tính hợp pháp khi lựa chọn các em học sinh tham gia theo độ tuổi phù hợp, nhằm đạt được mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật", ThS Hiếu nói.

Ngày 30-5, ông Lê Thanh Kính, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Đức cho biết, người dân, các phụ huynh thông tin phản hồi tốt về cách tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh như trên.

Học sinh được chọn đi tham dự chủ yếu học sinh lớp 8, 9. Trong đó có những em ở trường chưa thực sự chấp hành tốt nội quy, chú tâm học tập.

Hai vụ án đưa ra xét xử có nội dung nổi cộm và tính chất thời sự. Quá trình xét xử, chủ tọa và các vị hội thẩm nhân dân vận dụng các phương pháp nghiệp vụ, kinh nghiệm để phân tích, giải thích chính sách pháp luật cho bị cáo cũng như tuyên truyền cho học sinh hiểu rõ. Từ đó giúp các em nhận biết được hành vi vi phạm pháp luật, nhận thức được sự nghiêm minh của pháp luật, tự mài giũa ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn.

Thời gian tới, ngành GD&ĐT huyện Châu Đức sẽ rút kinh nghiệm một số nội dung trong tổ chức, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thêm các phiên xét xử lưu động để tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh.

Là người trực tiếp tham dự phiên xử lưu động, em H.N.L (Trường THCS Phan Đình Phùng), cho biết đây là lần đầu tiên em được theo dõi trình tự, thủ tục một phiên tòa. Theo dõi phiên xử, giúp em hiểu biết và nâng cao nhận thức về quy định của pháp luật khi tham gia giao thông và tránh xa ma túy, tệ nạn xã hội.

“Hình phạt của HĐXX đối với bị cáo là bài học có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe phòng ngừa tội phạm đối với mọi người. Em cũng học được rất nhiều, nhất là việc điều khiển phương tiện phải có giấy phép lái xe, làm chủ tốc độ và đặc biệt không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia”- em L nói.

Em L.Q.B (trường THCS Trần Hưng Đạo) chia sẻ: “Theo dõi phiên xử em biết được hình phạt của pháp luật đối với việc mua bán, tàng trữ và sử dụng ma túy rất nghiêm khắc. Em cũng nhận thức được tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó nêu cao ý thức cảnh giác, tránh xa ma túy và tệ nạn xã hội để cuộc sống tốt đẹp hơn”.

TRÙNG KHÁNH- PHÚ SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm