Cho hưởng án treo sai luật

Tháng 1-2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xét xử Tống Khắc Năng về hai tội tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tòa này đã cho bị cáo hưởng án treo về cả hai tội và vấp phải phản ứng của các cơ quan tố tụng khác.

Cho treo không phù hợp

Theo hồ sơ, trong thời gian làm trưởng thôn Đào Lạng, xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam (Bắc Giang), Năng đã tham ô hơn 20 triệu đồng của thôn, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt gần 24,5 triệu đồng.

TAND tỉnh xử sơ thẩm đã căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ xử phạt bị cáo Năng hai năm tù về tội tham ô, một năm tù về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn… Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã cho bị cáo hưởng án treo về cả hai tội dù bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nào mới.

Ban thanh tra nhận định, tòa cấp phúc thẩm cho bị cáo Năng hưởng án treo về cả hai tội là không đúng. Bởi bị cáo bị xử phạt hành chính lẫn hình sự nhiều lần về tội đánh bạc. Mặt khác, Năng cùng một số người đang bị VKSND tỉnh yêu cầu điều tra về hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ…

Cho hưởng án treo sai luật ảnh 1

Một vụ khác cũng đình đám không kém là vụ Đỗ Ngọc Chất và Phùng Văn San (đội trưởng và chấp hành viên của Đội Thi hành án huyện Thống Nhất nay là Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom, Đồng Nai) được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vào tháng 1-2010.

Ban thanh tra nhận xét vụ án đã hai lần bị tòa phúc thẩm hủy án để điều tra xét xử lại. TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm tháng 7-2009 nhận định các bị cáo không thực hiện đầy đủ, đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến việc thi hành án vụ Hồ Sỹ Minh bị hủy phải thi hành án lại từ đầu gây thiệt hại cho đương sự… Từ đó, tòa cấp sơ thẩm xử tuyên phạt Chất hai năm sáu tháng tù và San một năm tù. Thế nhưng đến cấp phúc thẩm, HĐXX giữ nguyên mức án của cấp sơ thẩm rồi cho hai bị cáo hưởng án treo. Rõ ràng cấp phúc thẩm đã xử phạt không phù hợp với tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi các bị cáo gây ra.

Giảm nhẹ, tổng hợp không đúng

Tháng 5-2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã sửa án sơ thẩm vụ Lê Ngọc Tâm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. HĐXX đã giảm hình phạt từ bảy năm tù xuống ba năm tù rồi cho Tâm hưởng án treo.

Quyết định này bị ban thanh tra cho rằng vi phạm pháp luật. Bởi cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Tâm bảy năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đây là mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn. Trong khi đó, tòa lại bỏ qua tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”. Thiếu sót này cấp phúc thẩm không những không khắc phục mà còn vi phạm “trầm trọng” hơn. Tòa đã giảm mức án và cho hưởng án treo sai luật.

Còn Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM lại xảy ra “sự cố” tổng hợp hình phạt rồi cho bị cáo Võ Minh Chiến hưởng án treo không đúng vào tháng 5-2010. Theo đó, tòa tuyên phạt Chiến bốn năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp với ba năm án treo về tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả mà TAND tỉnh Cà Mau xử phạt trước đó, buộc bị cáo phải chấp hành bảy năm tù.

Việc tổng hợp trên của cấp phúc thẩm là sai bởi hành vi tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả mà Chiến thực hiện là vào tháng 11 và 12-2005, còn hành vi lừa đảo Chiến thực hiện vào tháng 4 và 5-2005 (trước đó hơn nửa năm). Ở đây là hành vi phạm tội sau bị xử trước. Vì thế hành vi lừa đảo của Chiến không phải là phạm tội mới trong thời gian thử thách của án treo nên việc tổng hợp hình phạt hai vụ án buộc bị cáo chấp hành chung là không đúng.

Tháng 3-2010, Ban Thanh tra của TAND Tối cao đã kiểm tra việc cho hưởng án treo tại 28 đơn vị gồm ba Tòa Phúc thẩm của TAND Tối cao, 10 TAND cấp tỉnh và 19 TAND cấp huyện với tổng số 292 vụ/392 bị cáo được hưởng án treo.

Trong đó, từ tháng 10-2009 đến cuối tháng 5-2010, kiểm tra 36 vụ/147 vụ tại Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội thì số bị cáo được hưởng án treo là 44 bị cáo. Tại Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng, từ đầu tháng 10-2009 đến cuối tháng 7-2010 kiểm tra 10 vụ/64 bị cáo, có 17 bị cáo được hưởng án treo, không có bị cáo nào bị xét xử về các tội tham nhũng được hưởng án treo. Tại Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, kiểm tra 20 vụ trong khoảng thời gian từ đầu tháng 10-2009 đến tháng 7-2010 có 28 bị cáo được hưởng án treo.

Ấn định thời gian thử thách không thống nhất

Nhiều HĐXX đã tính toán để khấu trừ thời gian mà người bị kết án đã bị tạm giam, tạm giữ cụ thể đến từng ngày để ấn định thời gian thử thách cho hưởng án treo. Như vậy là rất máy móc và rất dễ nhầm lẫn, sai sót khi tuyên án. Theo tôi, trường hợp bị tạm giữ một số ngày thì không cần thiết phải trừ đi trước khi ấn định thời gian thử thách. Còn trường hợp bị tạm giam thì cũng nên làm tròn tháng thời gian đã tạm giam vì đây có lợi cho người bị kết án trước khi ấn định thời gian thử thách. Như vậy vừa đỡ phức tạp cũng như không vi phạm luật…

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Đề cao trách nhiệm thẩm phán

Để chấn chỉnh tình trạng tuyên án treo vô tội vạ, theo tôi các TAND cấp tỉnh nên tổ chức buổi tập huấn xung quanh việc miễn hình phạt tù có điều kiện này cho các cán bộ tố tụng. Đồng thời, thường xuyên mở các đợt kiểm tra, chấn chỉnh các trường hợp cho hưởng án treo. Nếu việc áp dụng án treo sai cứ lặp đi, lặp lại thì phải xem xét trình độ chuyên môn và trách nhiệm của những thẩm phán để đưa ra xử lý.

Kiểm sát viên NGUYỄN ANH ĐỨC,
VKSND TP Đồng Hới (Quảng Bình)

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm