Cho thuê căn hộ cao cấp: Khó khăn kéo dài

Nguồn cung căn hộ trung cấp và cao cấp chào bán ra thị trường những năm gần đây đều dồi dào. Thế nhưng đó cũng chính là lý do khiến phân khúc này rơi vào tình trạng cung vượt cầu trên cả thị trường chuyển nhượng lẫn cho thuê. Rất nhiều căn hộ cao cấp phải giảm giá cho thuê khá mạnh so với những năm trước đó để có khách nhưng vẫn ế ẩm.

Căn hộ cao cấp chật vật tìm khách

Vì khách thuê chủ yếu là người nước ngoài nên ông Nguyễn Văn Thành, chủ căn hộ cao cấp ở quận 4, TP.HCM, cho biết từ đầu năm đến nay vẫn chưa cho thuê được. Theo ông Thành, dịch COVID-19 khiến khách thuê trước đây không sang Việt Nam được. Lượng khách nước ngoài khác vì thế cũng rất ít nên gần như không có người tìm thuê.

Căn hộ 80 m2 của ông Thành có vị trí khá đắc địa gần quận 1 nên cho thuê được giá cao, mỗi tháng ông có thể thu 40-45 triệu đồng tiền nhà. Từ năm 2019, do nguồn cung căn hộ cao cấp khu vực lân cận tăng nên ông phải giảm giá thuê xuống 35 triệu đồng/tháng.

“Bây giờ tôi chỉ để giá thuê 30 triệu đồng/tháng, cam kết một năm mới tăng giá một lần nhưng vẫn không có khách hỏi” - ông Thành lo lắng.

Chị Kim Oanh (quận 7, TP.HCM) cũng đang chật vật kiếm khách thuê căn hộ của mình. So với mặt bằng chung khoảng 2.000 USD/tháng, chị Oanh đã giảm xuống 1.500 USD/tháng để hút khách.

“Thời gian này kinh tế khó khăn, dịch bệnh chưa hết nên lượng khách nước ngoài sang Việt Nam rất ít. Đây là nguồn khách chính của các căn hộ cao cấp ở khu vực trung tâm. Những căn hộ cho thuê dạng dịch vụ văn phòng cũng khó khăn vì các doanh nghiệp đều tiết giảm chi phí, không mở rộng văn phòng, chi nhánh nên nhu cầu thuê cũng giảm” - chị Oanh nói.

Cạnh đó, dịch bệnh khiến các chủ thuê mất hẳn một lượng khách lớn là du học sinh, chuyên gia nước ngoài và cả khách lưu trú du lịch ngắn hạn. Khách thuê cũ liên tục trả nhà vì không thể sang Việt Nam.

Nhiều chủ nhà lâm cảnh khó khăn vì gánh nặng trả lãi ngân hàng. Để có nguồn thu, các chủ nhà đang ngấm ngầm có một cuộc chạy đua giảm giá để có khách.

Theo khảo sát thực tế của batdongsan.com.vn, hàng loạt căn hộ cao cấp tại các quận 1, 2, Bình Thạnh rơi vào tình trạng ế ẩm và rớt giá mạnh. Từng có giá thuê từ 2.500 đến 8.000 USD/tháng nhưng do nguồn khách mới khó khăn, các chủ nhà phải giảm ít nhất 10%-30% để giữ chân khách dài hạn.

Những căn hộ hạng sang rất được khách nước ngoài quan tâm, tìm thuê. Ảnh: HUYỀN PHẠM

Vẫn còn nhiều cơ hội phía trước

Theo Savills Việt Nam, quý I-2020 công suất cho thuê căn hộ dịch vụ ở cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều giảm do dịch COVID-19.

Tuy nhiên, TS Sử Ngọc Khương, chuyên gia bất động sản (BĐS), nhận định thị trường căn hộ cho thuê vẫn có nhiều cơ hội để bứt phá khi có sự dịch chuyển các nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam.

Từ năm 2018 đến 2022 sẽ có hơn 50.000 căn hộ hạng A và B được bàn giao, trong đó có khả năng sẽ cho thuê lên đến 30%. Trong năm 2020, khoảng 45% nguồn cung căn hộ dịch vụ mới sẽ tham gia vào thị trường.

“Việt Nam đang làm tốt công tác kiểm soát dịch, các chuyên gia nước ngoài đã bắt đầu quay trở lại nên thị trường căn hộ cho thuê có thể khởi sắc trong thời gian tới” - ông Khương dự đoán.

Đồng tình, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cũng cho rằng trong những năm tới khi các tập đoàn đa quốc gia di chuyển công xưởng, nhà máy vào Việt Nam sẽ kéo theo hàng loạt đội ngũ nhân sự, chuyên gia. Nhu cầu nhà ở cho đối tượng này là rất lớn. Đây là cơ hội cho BĐS Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực BĐS công nghiệp và những căn hộ dịch vụ. Các chủ căn hộ cần chủ động kiếm tìm khách thuê, đưa ra mức giá bền vững, dài hạn.

Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cengroup, mô hình căn hộ dịch vụ hiện nay trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ. Trên toàn cầu đang có hàng triệu căn hộ dịch vụ được tung ra, đây là những sản phẩm hạng ba sao trở lên. Hiện nay, tại Việt Nam, căn hộ dịch vụ có sao chiếm hơn 2.000 căn trên toàn quốc. Nguồn cung dự kiến trong vòng 2-3 năm tới ước tính khoảng 4.000 căn. Có thể thấy rõ tiềm năng phát triển căn hộ dịch vụ tại thị trường Việt Nam là rất lớn.

Căn hộ dịch vụ thường phục vụ cho đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, họ thường thuê cho các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn qua Việt Nam công tác trong vòng 2-3 tháng đến một năm. Số lượng khách hàng này thường chiếm 80% tổng lượng khách thuê. Hơn nữa, căn hộ dịch vụ ổn định khách thuê hơn bởi thời gian thuê thường kéo dài.

Thừa 70-100 triệu m2 sàn nhà ở trung và cao cấp

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ năm 2014 đến 2019), thị trường BĐS có xu hướng chững lại ở một số phân khúc, lượng giao dịch giảm hơn 40%, nguồn cung giảm 10% so với năm 2018.

Đáng chú ý, từ những tháng cuối năm 2019, các chỉ tiêu của thị trường đều giảm. Lượng giao dịch giảm hơn 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước đó.

Thị trường vẫn tồn tại sự mất cân đối trong quan hệ cung cầu. Nguồn cung nhà ở trung, cao cấp đang thừa với khoảng 70-100 triệu m2 sàn nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.

Trong khi đó, theo tính toán của cơ quan chức năng, nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp (có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) hiện chỉ chiếm 20%-30% tùy từng địa phương. Còn nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) lại chiếm đến 70%-80% thị trường. Hiện việc rà soát, điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu các dự án cho phù hợp với nhu cầu của thị trường vẫn chưa được các địa phương quan tâm thực hiện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm