Chọn ổn định, nhiều công nhân rời phố về quê

(PLO)- Thất nghiệp thời gian dài, công việc thời vụ nay có mai không, thu nhập bấp bênh… khiến nhiều công nhân rời TP về quê mong tìm sự ổn định.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trải qua hơn hai năm thất nghiệp, chị Ngô Thị Thu Ly (27 tuổi, quê TP Huế) quyết định cuối tháng này sẽ về quê sau những tháng ngày không thể tìm một công việc để gắn bó lâu dài.

về quê
Công nhân Công ty PouYuen giờ tan tầm. Ảnh minh họa: VÕ THƠ

Về quê mong ổn định lâu dài

Trong căn phòng trọ nhỏ nóng như đổ lửa, chị Ly tâm sự đã trải qua nhiều công việc từ chính thức đến thời vụ từ khi mất việc đến nay. Tuy vậy, công việc bấp bênh, lúc có lúc không nên chưa chỗ nào chị trụ được quá nửa năm dù rất cố gắng.

“Trước đây tôi trụ lại TP vì mong sẽ tìm được nơi làm việc phù hợp với tấm bằng CĐ, song do áp lực kinh tế nên đành làm công nhân từ đó đến nay. Hai năm thất nghiệp, làm đủ thứ việc tôi thấy càng ở lại càng thêm khó khăn, có lẽ về quê sẽ tốt hơn. Ở quê tuy thu nhập thấp nhưng ổn định” - chị Ly chia sẻ.

Hiện nhiều địa phương có khu công nghiệp hoạt động ở một số lĩnh vực tương tự TP.HCM nên lao động ngoại tỉnh chọn về quê.

Rời TP sau khi hết thời gian lãnh trợ cấp thất nghiệp, anh Phạm Thanh Tình (34 tuổi, quê Quảng Nam) cũng lưu luyến TP.HCM vì có thời gian dài làm việc trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7).

“Làm ở đây quen rồi nhưng cũng phải về quê vì mọi thứ bấp bênh quá. Thu nhập thất thường làm sao lo nổi tiền trọ, sinh hoạt cho gia đình bốn người. Nếu ráng cày thêm hai, ba việc may ra đủ nhưng làm vậy lại không đảm bảo sức khỏe” - anh Tình trần tình, đồng thời chia sẻ về quê anh dự định xin việc làm trong Khu công nghiệp Tam Thăng.

Còn chị Nguyễn Thanh Ngọc (29 tuổi, quê Lâm Đồng) cũng đã rời TP.HCM được một năm. Lý giải việc rời TP về quê sau nhiều năm gắn bó, chị Ngọc cho hay muốn tìm sự ổn định lâu dài. Với số vốn dành dụm nhiều năm làm công nhân, chị về quê mở quán cà phê kết hợp trồng hoa, cây ăn trái.

Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã được Sở TT&TT TP.HCM cấp phép cho trang thông tin điện tử tổng hợp vào ngày 12-3-2024. Theo đó phần mềm kết nối cung cầu lao động đang dần hoàn thiện đưa vào triển khai theo hướng dẫn, hiện vẫn chưa kết nối được với các tỉnh.

Sắp tới, trung tâm sẽ chủ động liên hệ Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, nhất là các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL để bàn vấn đề này, nếu có cơ sở dữ liệu dùng chung về cung cầu lao động sẽ tạo điều kiện gắn kết người lao động và doanh nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều.

Bà NGUYỄN VĂN THỤC HẠNH, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM

Kết nối việc làm cho công nhân về quê

Theo Sở LĐ-TB&XH, hiện nay nhiều địa phương đều có khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút doanh nghiệp đến đầu tư và hoạt động ở một số lĩnh vực tương tự TP.HCM. Do đó, nhiều lao động ngoại tỉnh chọn về quê.

“Kết quả khảo sát 300 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn gần đây cho thấy tỉ lệ gặp khó khăn trong tuyển dụng chiếm 18,67%” - sở này thông tin.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang Nguyễn Ngọc Phước cho biết khi người lao động từ TP về địa phương cũng tạo điều kiện kết nối, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin việc làm ở nước ngoài. “Hậu Giang đang phát triển khu công nghệ số, thời gian tới sẽ có chính sách thu hút lao động về địa phương” - ông Phước nói thêm.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ Nguyễn Văn Toàn, ở địa phương nhiều doanh nghiệp vẫn đang tuyển lao động may mặc, lao động phổ thông. Để kết nối cung cầu lao động, Cần Thơ thường xuyên tổ chức các phiên, sàn giao dịch, ngày hội việc làm. Định kỳ hằng quý tổ chức sàn việc làm trong khu vực ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam Bộ.

“Năm 2024, TP Cần Thơ đã triển khai phương án hỗ trợ người lao động vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài. Năm nay số lượt chọn đi làm việc ở nước ngoài tăng hơn năm trước. Chỉ trong quý I đã có 200 trường hợp đi nước ngoài làm việc, tập trung ở các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản...” - ông Toàn thông tin. •

Từ sau Tết đến nay, khu trọ của bà Nguyễn Thị Xuân Hà (quận 8, TP.HCM) im ắng hẳn, cả khu có 60 phòng hiện đang trống đến 25 phòng. Theo bà Hà, người thuê trọ về quê rất nhiều, số người ở khu trọ hiện nay đa phần là người buôn bán nhỏ lẻ hoặc đang học tiếng Nhật, Hàn để chờ xuất khẩu lao động.

Còn tại khu trọ của bà Hoàng Thị Thịnh (đường Nguyễn Văn Khạ, thị trấn Củ Chi) tình hình cũng không khá khẩm hơn khi số người trả phòng về quê ngày một tăng. “Qua hỏi thăm những người ở lại, nhiều công nhân tâm sự đã mất việc, đời sống chật vật, xin gia hạn tiền phòng. Tôi đồng ý hỗ trợ họ lúc khó khăn. Thế nhưng cũng có người vì không có tiền đã âm thầm bỏ đi” - bà Thịnh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm