Đồng tình, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP, cho hay: “Ngân hàng cũng phải liên đới chịu trách nhiệm trong việc chủ đầu tư sử dụng tiền huy động vốn”. Đại diện Sở Xây dựng tán thành ngân hàng sẽ là kênh đảm bảo quyền lợi của người ứng tiền.
Hiệp hội BĐS TP cũng kiến nghị sửa đổi thời điểm huy động vốn. Theo đó, chủ đầu tư được huy động vốn tại thời điểm đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, dự án đã có quy hoạch 1/500 hoặc tổng mặt bằng. Đại diện hiệp hội cho rằng Luật KDBĐS Nhà nước đã can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp khi quy định điều kiện khó khăn chuyển nhượng dự án. Luật này và Nghị định 153/2007 chỉ cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án (không cho chuyển nhượng một phần). Điều kiện để được chuyển nhượng dự án là phải hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, phải có công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng… Ông Châu cho rằng nên sửa đổi Luật KDBĐS theo hướng coi việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án ở bất kỳ giai đoạn nào là một hoạt động kinh doanh bình thường, theo nhu cầu hai bên, có đăng ký và chịu thuế. Bên nhận có trách nhiệm thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt.
Thủ tục chuyển nhượng dự án cũng được ông Vũ Trọng Đắc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Quân, góp ý phải sửa đổi nhanh gọn hơn với thời gian chính xác để doanh nghiệp chủ động được hoạt động của mình.
TS Trần Du Lịch đề nghị xem xét kỹ sáu điều đổi mới tại dự thảo Luật KDBĐS vì luật này rất quan trọng với TP.HCM. Được biết ông sẽ có buổi làm việc với các doanh nghiệp BĐS và ngân hàng về dự thảo luật này.
CẨM TÚ