Sáng 10-10, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Lễ phát động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết Tỉnh ủy đã xác định chuyển đổi số là một khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ tỉnh trong năm 2022.
Thời gian qua, tỉnh đã chủ động hợp tác, đặt hàng tư vấn, hỗ trợ từ các doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT), như: tập đoàn VNPT, tập đoàn Viettel... Đồng thời, ký kết thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn và các DN lớn về chuyển đổi số.
|
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Lễ phát động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: XÀ NO |
Ngoài ra, một số cấp ủy cấp huyện cũng đã chủ động tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi số, liên kết, hợp tác với các DN CNTT-VT. Cụ thể, TP Vị Thanh và TP Ngã Bảy đã huy động được sự tài trợ của các DN để xây dựng Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh. Hiện, các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh đang phối hợp với các DN lớn để triển khai chuyển đổi số cấp huyện.
Đáng quan tâm, qua công tác tuyên truyền, người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi số. Sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và đang bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số, với các hoạt động như: giao dịch điện tử; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng các ứng dụng phòng chống dịch bệnh COVID-19; sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử...
Để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới, người đứng đầu UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các Sở ngành, các địa phương phải xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và toàn thể nhân dân. Trong đó, phải lấy DN và người dân làm trung tâm, là chủ thể quan trọng nhất, là mục tiêu, là động lực và là đối tượng chính thụ hưởng thành quả của quá trình chuyển đổi số.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu các đơn vị tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cho cấp sở, huyện, xã phường, trường học, DN. Trên cơ sở đó, có đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng tại 100% các ấp, khu vực để làm lực lượng nòng cốt trong thực hiện chuyển đổi số toàn dân.
|
Quang cảnh Lễ phát động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia tại Hậu Giang. Ảnh: XÀ NO |
Cạnh đó, tích cực hỗ trợ DN, hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số, gồm: tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; tiếp cận thông tin về quy hoạch, đầu tư, đất đai; ứng dụng CNTT, công nghệ số phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh; tham gia sàn thương mại điện tử...
“Tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ Thông tin và truyền thông, chủ động phối hợp với các DN ngành bưu chính, viễn thông để triển khai hạ tầng CNTT-VT phục vụ chuyển đổi số tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, như: phủ sóng 3G, 4G, 5G. Cung cấp Internet cáp quang băng thông rộng; hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh cho các hộ nghèo; triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến Mobile Money...” - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang lưu ý.
Theo Báo cáo đánh giá kết quả chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, tỉnh Hậu Giang đứng thứ 28/63 tỉnh, thành và đến năm 2021 đã đứng thứ 17/63 tỉnh, thành trong cả nước.