Chủ tịch nước: Sửa luật để tránh tham nhũng, mất cán bộ do đất đai

(PLO)- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết cuối năm nay, Quốc hội sẽ đóng góp ý kiến về dự án sửa đổi Luật đất đai năm 2013 để có một bộ luật rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 10 gồm Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ và Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính uỷ Bộ tư lệnh TP.HCM, đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn, trước kỳ họp thứ ba, QH khoá XV.

Tại buổi tiếp xúc, trước những phản ánh, kiến nghị của cử tri hai huyện nhằm đóng góp cho sự phát triển của địa phương, TP và đất nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây đều là những ý kiến tâm huyết.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: MINH TÂM

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: MINH TÂM

Củ Chi và Hóc Môn là "con rồng đang ngủ"

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau đại dịch, tình hình đất nước đã dần ổn định và phục hồi phát triển; những tháng gần đây tình hình tăng trưởng tốt, khu công nghiệp, dự án đã hoạt động trở lại, giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân.

Đánh giá về TP.HCM, ông cho rằng TP có nhịp độ phục hồi nhanh, đã trở lại hoạt động bình thường, nhộn nhịp.

Theo Chủ tịch nước, hai huyện Củ Chi, Hóc Môn đã nhận được sự quan tâm của TP, của trung ương với tinh thần xã hội hóa mạnh mẽ, tháo gỡ các vấn đề về đầu tư.

Trong đó, đối với hội nghị xúc tiến đầu tư vừa qua, cần đưa các chủ trương đi vào hiện thực nhanh chóng và thực hiện đúng quy hoạch. “Anh nào đã hứa mà không làm là không được đâu” - Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận huyện Củ Chi và Hóc Môn là một “con rồng đang ngủ, sắp tỉnh dậy phát triển mạnh mẽ”. Ông đánh giá đây là sinh thái phía Tây của TP.HCM; kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn với không khí đầu tư mới, quy hoạch mới.

Nhiều cử tri huyện Củ Chi, Hóc Môn đã nêu ý kiến về các vấn đề quy hoạch, xúc tiến đầu tư, đất đai, tham nhũng... với Chủ tịch nước. Ảnh: MINH TÂM

Nhiều cử tri huyện Củ Chi, Hóc Môn đã nêu ý kiến về các vấn đề quy hoạch, xúc tiến đầu tư, đất đai, tham nhũng... với Chủ tịch nước. Ảnh: MINH TÂM

Chủ tịch nước yêu cầu hai địa phương trong phát triển phải lấy người dân làm trung tâm, không đưa người dân vào tình thế không có công ăn việc làm, bần cùng. Theo Chủ tịch nước, một TP sinh thái phải làm tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh các dự án, chú trọng an sinh xã hội, nhà ở cho công nhân và trước hết là phát triển một số tuyến giao thông.

Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo hai huyện phát huy cách làm tâm huyết, trách nhiệm, chia sẻ cùng nhân dân. Qua đó, giúp phía tây TP.HCM trở thành vùng năng động, đóng góp sự phát triển cho TP.HCM về mọi mặt, toàn diện.

TP.HCM cần giải quyết nhanh các dự án kéo dài

Chia sẻ tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cho rằng TP.HCM còn nhiều trở ngại, khó khăn, nhất là trong phát triển về hạ tầng kinh tế - xã hội.

Do đó, TP cần triển khai mạnh mẽ các chương trình tái cấu trúc kinh tế đã được phê duyệt, hướng đến mô hình kinh tế sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt cần phải nâng cao hạ tầng công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tháo gỡ những nút thắt trong từng dự án, rà soát hoàn thiện toàn bộ quy hoạch của TP phù hợp với mục tiêu phát triển đô thị hiện đại.

Giải quyết rốt ráo những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri trong các vụ việc được quan tâm như bạo hành trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi… TP cần đi trước các địa phương khác trong thúc đẩy công bằng xã hội.

Ngoài ra, cần giải quyết nhanh các dự án kéo dài. "Có dự án để 17-18 năm chúng ta không giải quyết, để người dân kêu thì phải quá; làm hay không cũng phải trả lời cho cử tri" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

'Thất thoát từ đất đai là rất lớn'

Thông tin với cử tri về một số kết quả của Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết lần này trung ương đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nghị quyết của hội nghị đánh giá nông nghiệp nông thôn là mặt trận quan trọng, cần quan tâm giải quyết rốt ráo để người dân nông thôn thật sự là trụ cột của ngành kinh tế, phát triển minh bạch, hội nhập, chú ý đến giá trị phát triển nông nghiệp thị trường xanh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với cử tri bên lề hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: MINH TÂM
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với cử tri bên lề hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: MINH TÂM

Do đó, mức đầu tư cho nông nghiệp trong nghị quyết lần này tăng lên hai lần so với nghị quyết trước đó, thể hiện tâm nguyện của người nông dân được nâng lên một bước, thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước ta. “Không phải chúng tôi ở ngoài Hà Nội hay các đồng chí lãnh đạo ở đây quên đi nông nghiệp, nông thôn ở vùng sâu, vùng xa đâu” - Chủ tịch nước nói.

Một nội dung khác cũng được Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII bàn luận là việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương khoá XI liên quan đến chính sách, pháp luật về đất đai. Theo Chủ tịch nước, vấn đề đất đai có nhiều bất cập trong thời gian qua.

“Người ta nói giàu lên vì đất, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội cho TP, đất nước cũng từ đất đai; tù tội, thất thoát từ đất đai cũng rất lớn” - Chủ tịch nước nhìn nhận và cho biết lần này trung ương khẳng định sẽ làm rõ quyền sở hữu toàn dân và đại diện chủ sở hữu về đất đai.

Trong đó quy định chặt chẽ hơn trong việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án; làm sao bảo đảm công khai, minh bạch, chủ yếu thực hiện qua đấu giá, để thu về quyền lợi cho người dân và làm cho đất nước phát triển.

Chủ tịch nước yêu cầu khi thực hiện các dự án phải hết sức chặt chẽ, tránh để xảy ra khiếu nại lâu dài.

Trước ý kiến của cử tri về việc nên khoan thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết cuối năm nay, QH sẽ đóng góp ý kiến lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba về dự án này.

Từ đó, có bộ luật tốt nhất, rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ giúp người dân và cơ quan nhà nước dễ vận dụng; tránh tình trạng thất thoát, tham nhũng, thiệt hại, tránh oan sai, mất cán bộ do đất đai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm