Ngày 17-12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì họp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, tổng kết công tác năm 2024.
Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về thể chế
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ năm 2024, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được bảo đảm. Tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 7% với 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến đạt và vượt.
Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh. Lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được tăng cường...
Ông Trần Thanh Mẫn đánh giá đạt được kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự đóng góp rất lớn của Quốc hội trong công tác xây dựng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Điểm lại những kết quả nổi bật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tại kỳ họp 7 và kỳ họp 8, Quốc hội đã tập trung thảo luận, sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về thể chế, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, như thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), “1 luật sửa 4 luật” về đầu tư, “1 luật sửa 9 luật” về tài chính, ngân sách.
Quốc hội cũng quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, với nhiều quyết sách mang tính lịch sử.
Dẫn chứng, ông Trần Thanh Mẫn nhắc tới việc thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; chủ trương khởi động lại việc đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương…
Tập trung cao độ để tổng kết Nghị quyết 18
Lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm 2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cần tập trung cao độ để triển khai tổng kết Nghị quyết 18; hoàn thành các đề án, quy định, văn bản bảo đảm tiến độ trình Hội nghị Trung ương và kỳ họp bất thường của Quốc hội trong tháng 2-2025.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 2-2025, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng công tác tham mưu, thẩm tra các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra.
Cải tiến, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức, cách thức tiến hành các kỳ họp của Quốc hội theo hướng thảo luận, chất vấn ngắn gọn hơn, tập trung đi đến cùng, làm rõ những vấn đề đặt ra, tăng thời gian thảo luận ở tổ.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tiếp tục đổi mới tư duy làm luật, đẩy mạnh công tác giám sát; phân cấp, phân quyền để giải quyết công việc, “rõ vai, rõ việc, rõ người”; đồng thời tăng cường giám sát kiểm tra, cải cách hành chính.
Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho hay trong năm 2024, Văn phòng Quốc hội đã tham mưu ban hành 48 văn bản phân công triển khai thực hiện kết luận của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Các cơ quan đến nay đã hoàn thành 93/109 nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và 73/103 nhiệm vụ triển khai chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định, thông báo, hướng dẫn của Đảng.
Các cơ quan cũng đã tham mưu, phục vụ tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ, 4 kỳ họp bất thường, phục vụ Quốc hội ban hành 31 luật và 64 nghị quyết với tỉ lệ tán thành cao; cho ý kiến về 21 dự án luật khác.
Về công tác lập pháp, các cơ quan đã hoàn thành 26 nhiệm vụ theo các kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng tổng số nhiệm vụ hoàn thành lên 140/156 nhiệm vụ, đạt gần 90%.
Đặc biệt, tại kỳ họp 8, các cơ quan đã quán triệt tinh thần chỉ đạo đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, từ đó đã có đổi mới trong công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Theo đó, không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định. Những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định thì luật chỉ quy định khung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.