Sáng 10-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp đánh giá về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách tháng 4; phương hướng, nhiệm vụ tháng 5.
Tại cuộc họp, ông Phong nêu hàng loạt dự án còn nằm trên giấy và yêu cầu các thành viên ủy ban, sở, ngành tìm cách thúc đẩy thực hiện dự án.
“Tôi thấy xót xa lắm!”
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong tỏ thái độ lo lắng khi hàng loạt dự án lớn bị chững lại như khu phức hợp Lotte ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, SaiGon Sports City của Keppel Land, Trung tâm Hội chợ triển lãm ở quận 2, khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa... “Hôm rồi báo chí đưa hình ảnh mấy đứa trẻ, người dân trong khu dự án Bình Quới - Thanh Đa than vãn vì dự án treo dài hoài. Phải coi giải quyết dứt khoát đi. Các đồng chí không thấy xót xa à?” - ông Phong lo lắng.
Từ đó, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị phải tập trung gỡ vướng cho các dự án chững lại này. “Đã thảo luận, làm việc và chỉ ra điểm vướng. Vậy tại sao dự án không chuyển động? Nhiều dự án đang chững lại. Không biết các đồng chí thấy sao, chứ tôi thấy xót xa lắm! Nhìn lại mấy năm qua, TP có công trình nào đâu, toàn nằm trên giấy. Tôi không có tư duy nhiệm kỳ nhưng tôi sẽ lấy mốc thời gian nhiệm kỳ để làm hạn định, thúc đẩy các công trình, dự án ở TP” - ông Phong trăn trở.
Theo ông Phong, lý do không tạo được sự chuyển động là việc chỉ đạo giữa các sở/ngành, quận/huyện rời rạc, không tập trung. “TP nói năm 2019 là năm cải cách mạnh mẽ hành chính nhưng sở/ngành, quận/huyện chỉ đạo không ra kết quả. Năm nay đã bước qua bốn tháng mà không tạo được sự chuyển động mạnh mẽ” - ông Phong nói và đề nghị các sở/ngành, quận/huyện phải tập trung chỉ đạo một vài dự án trọng điểm để tạo cú hích cho nhà đầu tư.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng yêu cầu từng ủy viên UBND TP phải tập trung chỉ đạo, đeo bám mạnh mẽ vào các dự án để không có lỗi với người dân, với Đảng bộ TP.
Cũng liên quan đến đầu tư, ông Nguyễn Thành Phong đánh giá trong chín ngành dịch vụ chủ yếu của TP.HCM thì ba tháng đầu năm có sáu ngành phát triển chững lại. Từ đó, ông yêu cầu các đơn vị rà soát để có biện pháp đẩy mạnh những ngành phát triển chậm lại so với cùng kỳ. Ông cũng yêu cầu Sở KH&ĐT làm việc với Sở Công Thương đi tìm kiếm, kêu gọi nhà đầu tư chứ không chỉ ngồi chờ đợi nhà đầu tư đến. Đặc biệt phải rước “đại bàng” về TP trong một số ngành, nhất là trong lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo.
Đối với thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ông cho biết TP đã thu hút được 2,37 tỉ USD nhưng số vốn bình quân mỗi dự án thu hút mới chỉ đạt khoảng 1 triệu USD. “Với nguồn vốn thu hút này sẽ không tạo ra được năng lực cạnh tranh và tác động mạnh mẽ tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP” - ông Phong nói và đề nghị cần phải tập trung quyết liệt tháo gỡ để thu hút nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi họp của UBND TP.HCM ngày 10-5. Ảnh: TL
Giá điện tăng ảnh hưởng đến sản xuất
Tại cuộc họp, đề cập về những tác động của việc tăng giá xăng và giá điện trong tháng 4 vừa qua, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Phạm Thành Kiên cho biết tính từ đầu năm đến nay, giá xăng được điều chỉnh tăng năm lần.
“Sở đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm thì hầu hết các doanh nghiệp đều khẳng định việc tăng giá xăng tuy có ảnh hưởng tới sản xuất nhưng không nhiều. Bởi vì xăng dầu chỉ chiếm khoảng 1% trong giá thành sản xuất” - ông Kiên nói.
Còn đối với tăng giá điện, ông Kiên cho biết qua làm việc với một số doanh nghiệp trong Hội Cơ khí, đa số doanh nghiệp cho rằng việc điều chỉnh tăng giá điện ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, nhất là đối với những hợp đồng đã ký đầu năm. Các doanh nghiệp cơ khí cho biết hiện nay đang phối hợp với điện lực để thay thế những thiết bị sử dụng nguồn điện cao nhằm tiết kiệm điện.
Liên quan đến dịch tả heo châu Phi, báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết dịch tả heo châu Phi đã lây lan đến Đồng Nai. “Mới chiều qua, TP.HCM đã họp khẩn với các sở/ngành để giao những nhiệm vụ hết sức cụ thể trong việc đối phó bệnh dịch” - ông Liêm nói.
Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết ngay khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở biên giới các tỉnh phía Bắc, TP.HCM đã có kế hoạch ứng phó với ba tình huống: Dịch tả ở phía Bắc, ở các tỉnh giáp TP và dịch tả xuất hiện ngay tại TP.HCM. “Hiện chúng ta đang vận hành tình huống thứ hai, dịch xuất hiện tại các tỉnh giáp ranh. Cụ thể là hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch (Đồng Nai). Bên cạnh đó, Bình Phước cũng đã xuất hiện một ổ dịch” - ông Hổ nói.
Ông Hổ cho biết thêm TP.HCM sẽ thực hiện nhiều giải pháp để đối phó dịch tả heo châu Phi. Đó là lập kênh chia sẻ thông tin chính xác, thống nhất với các tỉnh giáp ranh để có biện pháp ngăn ngừa. Tăng cường kiểm soát ở các cửa ngõ vì có 45%-50% heo cung cấp cho TP.HCM đến từ Đồng Nai. Tổ chức các trạm tạm thời ở vùng giáp ranh như cầu Phú Long, cầu Bến Súc...
Điều tra vụ cháy kho tài liệu xe buýt ở Bình Chánh Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định đã giao công an điều tra vụ cháy nhà kho chứa hàng tấn tài liệu về xe buýt ở Bình Chánh. Ông cho rằng nếu không giao công an điều tra một cách nghiêm túc thì sẽ tạo dư luận không tốt. Khi có kết quả điều tra sẽ công bố cho báo chí. Vụ việc cháy nhà kho rộng khoảng 1.000 m2 chứa tài liệu xe buýt của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (huyện Bình Chánh) xảy ra đêm 2-5. Vụ cháy đã làm hàng tấn tài liệu xe buýt ở TP.HCM biến thành tro bụi. |