Ngân hàng này đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét lại thủ tục tố tụng, tội danh của bị cáo Huyền Như (tham ô chứ không phải lừa đảo) và trách nhiệm bồi thường số tiền bị chiếm đoạt 718 tỷ đồng.
Theo bản án sơ thẩm, sau khi biết ACB có nguồn tiền muốn gửi vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM để lấy tiền lãi cao hơn (lãi chênh lệch ngoài hợp đồng), nhưng theo nguyên tắc ngân hàng này không được đem tiền đến ngân hàng khác gửi để lấy lãi cao hơn nên ACB (cũng như Navibank) đã phải dùng đến các nhân viên của mình, uỷ thác cho họ đem tiền đến gửi tại Vietinbank.
Thông qua bà Huỳnh Thị Ngọc Ánh – Phó phòng kế toán ACB, Như lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank chi nhánh Nhà Bè, làm giả hợp đồng tiền gửi, ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn – Phó Giám đốc VietinBank –chi nhánh Nhà Bè và đóng dấu giả VietinBank – chi nhánh Nhà Bè để huy động 50 tỷ đồng của ACB thông qua hai người gửi.
Sau đó, ACB tiếp tục sử dụng 17 nhân viên của mình, uỷ thác cho họ đem số tiền 669 tỷ đồng gửi vào VietinBank với lãi suất 14%/năm, lãi ngoài từ 3,8 đến 4%/năm và tất cả số tiền trên đều bị Như chiếm đoạt. Để chiếm đoạt đựơc số lượng tiền khổng lồ của ACB, Như đã dùng thủ đoạn “Câu, nhử” đó là trích trả ngay hơn 10 tỷ đồng tiền lãi ngoài hợp đồng cho ACB.
Ngoài việc làm giả 16 lệnh chi, ký giả chữ ký của 09 chủ tài khoản để làm thủ tục tất toán và chiếm đoạt số tiền hơn 81 tỷ đồng, Như làm giả lệnh chi, ký giả chữ ký của các chủ tài khoản để chuyển hết số tiền từ tài khoản tiền gửi tiết kiệm của các nhân viên ACB đi trả nợ và chiếm đoạt số tiền còn lại trong tài khoản tiền gửi của các nhân viên ACB.
Tại toà, Huyền Như khai, vụ lừa đảo ACB là thông qua Huỳnh Thị Bảo Ngọc – Phó phòng quản lý quỹ của ACB. Theo thỏa thuận, số tiền chênh lệch 10 tỷ đồng Như sẽ chuyển cho Ngọc. Và ý định chiếm đoạt tiền của ACB có từ lúc thoả thuận qua điện thoại về việc gửi tiền với chị Ngọc.
Đối chất, Huỳnh Thị Bảo Ngọc cho biết: Không có chuyện Như chuyển tiền cho Ngọc. Việc trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng là vào tài khoản của các nhân viên.
Chủ toạ chất vấn ngược lại, Như khai "theo lời của chị Ngọc thì Như chuyển tiền vào tài khoản của Huỳnh Thị Chiêu Uyên (chị gái của Ngọc -PV) ”. Huỳnh Thị Bảo Ngọc lại cho là: “Đó là thỏa thuận giữa Huyền Như và Chiêu Uyên, tôi không biết”.
Từ sự mâu thuẫn này, chủ toạ tuyên bố tòa sẽ triệu tập Huỳnh Thị Chiêu Uyên đến phiên xử để làm rõ, tránh bỏ lọt tội phạm.
Chủ toạ hỏi đại diện ACB: "Vì sao ACB không gửi thẳng mà uỷ thác cho 19 nhân viên ACB?”. Ngân hàng này cho biết đảm bảo tính thanh khoản và bảo toàn nguồn vốn. Thực tế đã có trường hợp ACB gửi tiền và sau đó không được thanh toán. Chủ toạ hỏi thêm: trong vụ án Bầu Kiên đã tìm ra được câu trả lời việc ủy thác này đúng hay sai? Đại diện không trả lời vấn đề này. Theo đại diện ACB, tiền gửi tiết kiệm chỉ dành cho cá nhân, không dành cho pháp nhân và lãi suất gửi tiết kiệm cao hơn tiền gửi thanh toán
Đặt thêm vấn đề với ACB, chủ toạ hỏi: "Nếu nhân viên ACB chiếm đoạt số tiền được ủy thác đi gửi thì ACB kiện ai? Vì mối quan hệ ở đây là giữa ACB với Nhân viên; quan hệ giữa nhân viên và VietinBank thông qua Huyền Như”. Nhấn thêm chủ toạ nói “Khi đi thì bắc cầu, khi về thì đi thẳng”.
Tòa nghỉ, buổi chiều làm việc lại.