Nhiều đại biểu đến từ các trường ĐH lớn của cả nước và một số Sở GD&ĐT phía nam đều cho rằng việc học tiếng Trung là nhu cầu có thật tại nhiều địa phương có đông người Hoa sinh sống. Tuy nhiên, quá trình dạy và học còn nhiều bất cập, chưa thống nhất khiến việc dạy tiếng Trung trong nhà trường chưa đạt hiệu quả cao.
Lộn xộn sách dạy tiếng Trung
TS Nguyễn Thị Quỳnh Vân, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng ngay cả tên gọi tiếng Trung Quốc, tiếng Hán hay tiếng Hoa cũng chưa thống nhất trong nhà trường. Hiện tại TP.HCM có 22 trường tiểu học, tám trường THCS và một trường THPT dạy tiếng Trung bằng hình thức tăng cường ngoài giờ học chính khóa với thời lượng 4-8 tiết/tuần. Tuy nhiên, giáo trình lại có nhiều bất cập.
Cụ thể, học sinh cấp tiểu học học sách do Sở GD&ĐT TP biên soạn, lên THCS lại học sách tiếng Trung do Bộ GD&ĐT biên soạn, lên THPT lại dạy chương trình bảy năm từ lớp 6 đến lớp 12 cho chương trình học ba năm của THPT. Trong khi đó, các cơ sở dạy tiếng Trung ở Đồng Nai lại sử dụng giáo trình của Sở GD&ĐT TP.HCM và một số giáo trình dành cho người nước ngoài do người Trung Quốc biên soạn.
“Bộ GD&ĐT nên tổ chức biên soạn mới giáo trình tiếng Trung thống nhất trên toàn quốc từ tiểu học đến THPT. Đồng thời nên đổi mới cách thi, cấp chứng chỉ tiếng Trung theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc của Việt Nam và sử dụng đề thi chung toàn quốc thay cho chứng chỉ ABC đã lạc hậu hiện nay” - TS Quỳnh Vân kiến nghị.
Đồng ý với phân tích này, ThS Vương Quế Thu, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết tài liệu giảng dạy ở các cấp học khác nhau. Như ở tiểu học còn tham khảo thêm bộ sách Hoa ngữ bổ sung để dạy từ lớp 1 đến lớp 5, không có sách giáo viên và băng đĩa đi kèm. Bộ cũng chưa có danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho chương trình này, hầu hết giáo viên tự làm đồ dùng dạy học hoặc sử dụng chung với tiếng Anh để giảng dạy.
Vì thế, bà Thu cũng đề xuất Bộ nên biên soạn mới sách giáo khoa cho tiếng Hoa hoặc cho phép TP.HCM tiếp tục dạy và học tiếng Hoa theo cách làm của TP.HCM với hình thức “tiếng Hoa tăng cường” với 8-10 tiết/tuần như trước đây.
Giáo viên dạy tiếng Trung tại một trung tâm ngoại ngữ.
Sách phải được thẩm định ít nhất từ cấp Sở
ThS Phạm Minh Đức, trưởng phòng Giáo dục thường xuyên của Sở GD&ĐT Đồng Nai, cũng cho biết từ năm 1997 đến nay, Đồng Nai đã tách việc dạy và học tiếng Hoa ra khỏi trường phổ thông và thực hiện xã hội hóa để mở được 15 cơ sở Hoa văn, chuyên dạy tiếng Hoa cho những học sinh có nhu cầu, Sở GD&ĐT trực tiếp quản lý. Nhờ đó, tỉnh đã thực hiện rất thành công, không tốn kém ngân sách cho nhà nước và hiện có gần 4.000 học viên theo học tại các cơ sở này với 83 giáo viên.
Tuy nhiên, ThS Đức cho hay tài liệu giảng dạy được biên soạn chính thống từ Bộ GD&ĐT không phổ biến trong miền Nam nên việc mua sắm hơi khó khăn. Sách tham khảo của các cơ sở có nguồn gốc bên ngoài thì Sở phải tự thẩm định và lựa chọn rất kỹ lưỡng rồi mới cho các cơ sở sử dụng.
Trao đổi lại những ý kiến của các đại biểu, ông Bùi Đức Thiệp cho hay về tên gọi, hiện nay tiếng Trung Quốc đưa vào trường phổ thông như ngoại ngữ một hoặc ngoại ngữ hai từ THCS đến THPT. Chương trình này dạy theo bộ sách giáo khoa từ lớp 6 đến lớp 12 do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn, thẩm định, sử dụng thống nhất. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chịu trách nhiệm in ấn, xuất bản và cung cấp đến tất cả các địa phương, trường học.
Ông Thiệp nhấn mạnh việc chọn tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ một hay ngoại ngữ hai là dựa vào nhu cầu và nguyện vọng của HS.
Về vấn đề sách giáo khoa, ông Thiệp lưu ý đối với giáo dục phổ thông dạy tiếng này như ngoại ngữ một hoặc hai thì có chương trình các môn học là do Bộ GD&ĐT tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành từ lớp 6 đến hết 12. Muốn sử dụng bộ sách này cho giáo viên và HS, nhà trường có thể đăng ký với công ty thiết bị trường học để họ cung cấp theo nhu cầu chứ không phải in phổ biến.
Tuy nhiên, theo ông Thiệp, giáo viên có thể dựa theo chương trình của Bộ để lựa chọn bộ sách giáo khoa khác nhưng phải tuân thủ nguyên tắc: giáo viên muốn sử dụng sách nào phải mở hội đồng thẩm định lựa chọn tại trường đó, sau đó phải báo cáo với Sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT. Sau khi có ý kiến phê duyệt mới được lưu hành.
Đối với các cơ sở đào tạo khác ngoài phổ thông thì việc chọn chương trình nào, sử dụng giáo trình nào là quyền tự chủ của từng trường. Trường sẽ tự có hội đồng thẩm định để chọn ra giáo trình chính thức giảng dạy nhưng phải tuân thủ về mặt tư tưởng và bản quyền theo quy định.
Về kiểm tra đánh giá, ông Thiệp cho biết Bộ đang chuẩn bị ban hành thông tư về việc tổ chức và thi ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc để áp dụng thống nhất thay cho cách đánh giá ABC cũ hiện nay.
Hiện nay, tiếng Hoa (khác với tiếng Trung Quốc) được dạy ở tiểu học và THCS như một ngôn ngữ cho dân tộc thiểu số tại một số địa phương đông người Hoa sinh sống. Việc giảng dạy này bình đẳng với dạy tiếng các dân tộc thiểu số khác như Khmer, Tày, Nùng… Tiếng dân tộc thiểu số này đã được quy định trong kế hoạch của các Sở GD&ĐT ở cấp tiểu học và THCS về thời lượng, tài liệu... và bắt đầu dạy từ lớp 1. Ông Bùi Đức Thiệp |