Đã có khuyến cáo
Cuộc họp báo thông tin sự cố y khoa về chạy thận nhân tạo xảy ra tại BV Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An (Sở Y tế Nghệ An) chiều 5-8 đã nhận được khoảng 50 câu hỏi của các nhà báo, phóng viên.
BS Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An.
PGS-TS Nguyễn Văn Hương, Phó Giám đốc BV Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An, cho biết: “Ngày 23-6, đoàn công tác của BV Bạch Mai (Hà Nội) về đây khuyến cáo một số vấn đề khắc phục nước RO, trong đó có đề xuất nên chuyển đường ống (đang gấp góc và sử dụng đã được năm năm nay) sang hệ thống đường ống khác. Đến ngày 26-6, trên cơ sở của khoa nội thận lọc máu, phòng vật tư thiết bị đã trình cho tôi và tôi đã ký đồng ý sửa lại đường ống để đảm bảo theo khuyến cáo của BV Bạch Mai. Tuy nhiên, khi chưa kịp sửa thì xảy ra sự cố vào ngày 30-7”.
BS Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, cho hay hội đồng chuyên môn đi đến kết luận nguyên nhân xảy ra sự cố là do nước. “Hệ thống dẫn nước RO được lắp đặt trước năm 2016. Trên hệ thống dẫn nước RO có nhiều điểm nối và gấp góc, có điểm chết làm ứ đọng nước, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển” - BS Hồng nói.
Việc chạy thận nhân tạo tại BV Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An đang phải tạm ngừng, 132 bệnh nhân đã phải chuyển sang các bệnh viện khác tiếp tục chạy thận.
Sau sự cố xảy ra, hiện BV Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An đã ngừng chạy thận. Hai bệnh nhân nặng là Nguyễn Thị Hường (33 tuổi, trú huyện Nam Đàn, Nghệ An) và Hồ Thị Lộc (39 tuổi, trú xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) theo đề nghị của gia đình đã được chuyển lên tuyến trên là BV Bạch Mai (Hà Nội) tiếp tục điều trị. Bệnh nhân Đặng Thị Trường (62 tuổi, trú xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, Nghệ An) tiếp tục ở lại bệnh viện điều trị, đến thời điểm này đã hồi phục.
Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo của BV Bạch Mai, sự cố chạy thận tại tỉnh Hòa Bình hai năm trước là do hóa chất, còn ở đây là do nước nhiễm vi khuẩn. TS Dũng cũng đề nghị phải thay hệ thống dẫn nước R.O ở BV Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An.
Được biết nguồn nước cấp cho máy lọc RO của BV Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An là nguồn nước máy (nước sạch) sinh hoạt.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên đã đề nghị Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Mội trường Hà Nội, Sở Y tế Nghệ An, BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An cung cấp bản kết quả xét nghiệm nước RO. Tuy nhiên, đại diện BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An trả lời sẽ cung cấp sau.
TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo và kỹ sư nước của BV Bạch Mai giải thích về nguyên nhân sự cố ở BV Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An.
TS Dũng cho biết giữa BV Bạch Mai và BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An không có hợp đồng sức rửa hay làm vệ sinh hệ thống ống dẫn nước chạy thận nhân tạo. “Khi nào phía Nghệ An có công văn yêu cầu BV Bạch Mai vào súc, rửa vệ sinh thì bệnh viện cho người vào giúp đỡ chứ không có hợp đồng hay tiền nong ở đây. Mỗi năm BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An có yêu cầu từ 1-2 lần”.
Cũng theo TS Dũng, theo quy định của Bộ Y tế, việc kiểm tra, vệ sinh hệ thống chạy thận nhân tạo không quá ba tháng cần phải được thực hiện một lần. Riêng ở BV Bạch Mai, việc kiểm tra, vệ sinh được thực hiện một tháng/lần. Trong đợt vào hỗ trợ mới nhất cho BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An vào ngày 23-6, các chuyên gia BV Bạch Mai cũng đã có sự cảnh báo về nguy cơ sự cố này và đề nghị thay thế hệ thống đường ống dẫn nước RO. Nhưng sau đó chưa thay thế thì xảy ra sự cố.
PGS-TS Nguyễn Văn Hương, Giám đốc BV Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An.
Trả lời câu hỏi về ai chịu trách nhiệm sau khi xảy ra sự cố, PGS-TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, nói: "Trước mắt tập trung tối đa vào chuyên môn để chăm sóc cho bệnh nhân, vì sự an toàn của người bệnh. Việc có xử lý kỷ luật hay không thì lãnh đạo Sở Y tế sẽ xem xét. Nếu ở mức độ phải xử lý kỷ luật, Sở Y tế sẽ thành lập hội đồng kỷ luật, họp và trình UBND tỉnh Nghệ An quyết định. Đối với trách nhiệm các khoa phòng, cá nhân thuộc bệnh viện quản lý, Sở Y tế giao cho giám đốc bệnh viện xem xét”.
Ông Chỉnh và ông Hồng cũng thông tin thêm, các bệnh nhân trong sự cố đã được cấp cứu kịp thời, những bệnh nhân nặng đã ổn định, không có trường hợp nào tử vong. Hiện bệnh biện đang tập trung tối đa vào cứu chữa bệnh nhân và ngăn chặn tình trạng tượng tự.
PGS-TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, phát biểu, trả lời các câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo.
Như đã đưa tin, ngày 30- 7, trong quá trình chạy thận nhận tại tại BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An, có 10 bệnh nhân đang lọc máu có dấu hiệu bất thường. Trong đó, bốn bệnh nhân chỉ có biểu hiện thoáng qua, tự khỏi sau khi kết thúc cuộc lọc. Sáu bệnh nhân còn lại có biểu hiện nặng hơn với các triệu chứng rét run, sốt, mệt, khó thở khi đang lọc máu được 2-3 giờ.
Các bệnh nhân đã được hạ sốt, ngừng lọc máu, trong đó ba bệnh nhân hết triệu chứng sau khi ngừng lọc máu khoảng 20-30 phút, theo dõi không thấy các triệu chứng nặng nên đã được cho về. Ba bệnh nhân có biểu hiện sốt, rét run, tụt huyết áp, khó thở nên đã được chuyển khoa Hồi sức tích cực chống độc và chuyển ra Hà Nội tiếp tục điều trị. 132 người điều trị ngoại trú phải chuyển sang các bệnh viện khác tiếp tục chạy thận.