Chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

(PLO)- Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương đã hoàn tất. Năm nay, các địa phương vẫn chịu trách nhiệm in sao, vận chuyển đề dưới sự bảo vệ chặt chẽ của lực lượng công an.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra trong hai ngày 28 và 29-6. Trước đó ngày 27-6, hơn 1 triệu thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi.

Trang bị 18 máy in sao đề thi tốt nghiệp

Tại TP.HCM đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết tổng số thí sinh tham dự kỳ thi là 85.453. Kỳ thi được tổ chức tại 156 điểm thi.

Sở GD&ĐT TP huy động 790 người làm lãnh đạo điểm thi, 11.280 cán bộ coi thi, 2.370 nhân viên phục vụ điểm thi, 474 công an trực, 92 ban in sao đề thi và 204 người vận chuyển và bàn giao đề thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT
tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Trong các khâu, khâu in sao đề thi được TP chú trọng. Khu vực in sao được bố trí an toàn với ba vòng độc lập.

TP.HCM huy động 18 máy in công suất lớn phục vụ in sao đề thi. Đồng thời, TP huy động số lượng cán bộ in sao đề thi rất lớn, riêng vòng 1 là 60 cán bộ giáo viên có kinh nghiệm tham gia. Khi in sao từ 3.000 đề thi trở lên sẽ dừng máy để kiểm tra chất lượng của đề.

Năm nay, bộ huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức của 142 cơ sở giáo dục ĐH để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi tại 63 sở GD&ĐT.

Đề cập đến công tác phối hợp, tổ chức thi, tại cuộc họp với Bộ GD&ĐT, ông Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết đã xây dựng một kế hoạch riêng đảm bảo an ninh trật tự cho kỳ thi. Trong đó, ngành công an bố trí hơn 450 cán bộ phối hợp tính bảo mật, an toàn cho kỳ thi từ khâu in sao đề thi đến công tác chấm thi, bảo vệ tại các điểm thi, áp tải đề thi.

Hà Nội là TP có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước với 102.095 thí sinh đăng ký dự thi. Theo Sở GD&ĐT, điểm in sao đề thi được đặt tại địa điểm an toàn, kín đáo và biệt lập. Ban in sao đề thi được trang bị đầy đủ thiết bị theo quy định, đầy đủ phương tiện PCCC. Máy phôtô dùng trong ban in sao đề thi của Hà Nội là những máy đặc chủng, tốc độ cao.

Đồng Nai là tỉnh có số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đứng thứ năm toàn quốc. Làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dẫn đầu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết tỉnh có 33.263 thí sinh đăng ký dự thi. Toàn tỉnh có 59 điểm thi chính thức, 11 điểm thi dự phòng. Tỉnh Đồng Nai huy động gần 6.000 người tham gia phục vụ kỳ thi, riêng ban coi thi là 5.200 người.

Năm 2023, tỉnh Bình Dương có 14.334 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp với 29 điểm thi, trong đó có một điểm dự phòng. Tỉnh huy động gần 2.300 cán bộ tham gia các khâu của kỳ thi.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Phong cho biết công an tỉnh đã huy động tối đa lực lượng làm nhiệm vụ tại các địa điểm in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi, nơi quản lý bài thi, các điểm coi thi, chấm thi...

Tăng cường công tác kiểm tra

Công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi cũng được Bộ GD&ĐT triển khai kỹ lưỡng để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc ở từng sở GD&ĐT, từng điểm thi.

Theo đó, từ sáng nay (26-6), đoàn công tác của nhiều cơ sở giáo dục ĐH, học viện bắt đầu lên đường làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ở các địa phương theo huy động của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, ĐH Quốc gia TP.HCM cùng Trường ĐH Y Dược TP.HCM sẽ cử khoảng 500 cán bộ, giảng viên làm công tác thanh tra, kiểm tra coi thi tại 156 điểm thi của TP.HCM.

Còn tại Hà Nội, khoảng 550 cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Quốc gia Hà Nội được phân công làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thi tại gần 190 điểm thi với 4.263 phòng thi.

Tương tự, 185 cán bộ, giảng viên đến từ các trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng được phân công thanh tra tại hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam.

Ngoài ra, nhiều trường ĐH khác cũng được phối hợp hỗ trợ công tác này tại các địa phương. Như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành với 34 cán bộ, giảng viên sẽ thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trường ĐH Luật TP.HCM và Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM làm nhiệm vụ tại tỉnh Khánh Hòa…

Theo lãnh đạo Thanh tra Bộ GD&ĐT, công tác kiểm tra với tinh thần phòng ngừa là chính, không phải để xử phạt vi phạm. Trong đó, đặc biệt nâng cao cảnh giác với các trường hợp gian lận công nghệ cao.

TP.HCM dùng phà riêng chở đề thi tới huyện Cần Giờ

Đối với điểm thi ở huyện Cần Giờ, TP.HCM sẽ ưu tiên bố trí các tuyến phà tại bến phà Bình Khánh để phục vụ công tác giao đề thi, bài thi... Đề thi tốt nghiệp THPT sẽ được chuyển tới điểm thi hai trường THPT An Nghĩa và Bình Khánh bằng phà với sự bảo vệ của Công an TP.

Bình Thuận dùng tàu cao tốc vận chuyển đề thi ra huyện đảo Phú Quý

Đây là năm thứ ba học sinh tại huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận được thi tốt nghiệp THPT tại đảo, thay vì vào đất liền. Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận đã có kế hoạch thuê tàu cao tốc để vận chuyển đề thi cũng như đưa 40 cán bộ làm công tác thi tại đảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm