Nhận định về thị trường chứng khoán tuần này, nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng phiên cuối tuần qua, thị trường phục hồi phần nào sau khi đã giảm mạnh hai phiên trước đó.
Dòng tiền đầu cơ bất ngờ hoạt động mạnh, tập trung vào các cổ phiếu thị giá thấp, hàm chứa nhiều rủi ro, khi kỳ báo cáo quý 1 đang cận kề.
"Cơ hội ngắn hạn là chưa rõ ràng và nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên nắm giữ tiền mặt," nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị.
Thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có tuần giảm điểm khá mạnh (tuần từ 16-19/4), VN-Index giảm 16,69 điểm xuống 966,21; HNX-Index giảm 1,82 điểm xuống 105,88 điểm. Thanh khoản cũng sụt giảm so với tuần trước đó, chỉ đạt khoảng 3.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 24,4% xuống 12.463 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 21,8% xuống 600 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 34,5% xuống 1.591 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 28,7% xuống 126 triệu cổ phiếu.
Diễn biến nội tại của thị trường có lẽ chưa ủng hộ xu thế tăng trưởng. Những mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, nhì thị trường đều giảm mạnh như VIC giảm (2,7%), VHM (4,6%).
Bên cạnh đó, những mã vốn hóa lớn thuộc nhóm cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng cũng đang diễn biến tiêu cực với VNM giảm 2%, SAB (1,5%), BHN (0,6%), MSN (0,2%).
Rõ ràng, dòng tiền chảy vào nhóm vốn hóa lớn đã yếu đi. Bên cạnh việc trong tuần tới chưa có thông tin hỗ trợ “nặng ký” thì nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có lẽ cũng khó bứt lên.
Một nhóm cổ phiếu rất quan trọng là nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giảm mạnh trong tuần qua. Hầu hết các mã trụ cột trong nhóm này đều ở chiều giảm giá như: CTG giảm tới 4,8%, TCB (-2,8%), ACB (2%), LPB (1,1%), VPB (0,3%). Các mã ngân hàng còn lại chủ yếu là đi ngang.
Dòng tiền chảy vào nhóm ngân hàng cũng tiếp tục giảm sút. Nhìn vào nội tại diễn biến của nhóm ngân hàng, có thể thấy nhóm cổ phiếu này đang yếu đi và cơ hội hồi phục trong tuần tới có lẽ khó xảy ra.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng điều chỉnh trong tuần qua. Cụ thể, PVS giảm 4,3%, PVD (2,9%), PVB (3,6%), PLX (0,5%), POW (7,1%), BSR (0,7%), OIL (3,7%), GAS (0,2%).
Quan sát diễn biến nhóm cổ phiếu dầu khí có thể thấy, nguồn cung của các mã dầu khí đã yếu đi, đây được đánh giá là tín hiệu tích cực, là dấu hiệu cho nhịp hồi phục sắp tới.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí còn được hỗ trợ từ đà tăng của giá dầu thế giới nên tuần tới, có thể kỳ vọng vào nhịp hồi phục của các mã cổ phiếu này.
Thực tế, giá dầu thế giới vẫn đi lên trong bối cảnh xuất khẩu dầu thô từ Saudi Arabia giảm, đồng thời dự trữ dầu và số lượng giàn khoan dầu của Mỹ sụt đi đã hỗ trợ giá mặt hàng này.
Gene McGillian, Phó Chủ tịch phụ trách mảng nghiên cứu thị trường của Tradition Energy tại Stamford, Connecticut (Mỹ) nhận định có dấu hiệu khá rõ ràng rằng nguồn cung trên thị trường đang thắt chặt và thị trường bớt quan ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu là những yếu tố thúc đẩy giá “vàng đen” tăng cao.
Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ trồi sụt thất thường và bị chi phối bởi diễn biến của mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp Quý 1-2019.
Tuy nhiên, thị trường Phố Wall đã phục hồi và lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch cuối tuần này, trước khi thị trường đóng cửa nghỉ vào thứ Sáu (19-4).
Loạt báo cáo tích cực về lợi nhuận doanh nghiệp Quý 1-2019 tại Mỹ và dữ liệu lạc quan về doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng Ba đã hỗ trợ thị trường trong phiên này.
Khép lại tuần giao dịch ngắn ngày, chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lần lượt tăng 0,56% và 0,17%. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 lại giảm nhẹ 0,08%.
Theo số liệu của FactSet, trong số các công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo lợi nhuận quý 1/2019, theo đó, có hơn 78% vượt dự báo của giới phân tích.
Như vậy, thị trường chứng khoán Mỹ có thể có diễn biến tích cực trong tuần tới và điều này phần nào có tác dụng nâng đỡ thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được nâng đỡ bởi việc khối ngoại đẩy mạnh mua ròng. Tính trên cả ba sàn giao dịch HoSE, HNX và UPCoM, khối ngoại mua vào 50 triệu cổ phiếu, trị giá 2.139 tỉ đồng, trong khi bán ra 39 triệu cổ phiếu, trị giá 1.571 tỉ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 10,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 568 tỉ đồng.
Tuy có những yếu tố nâng đỡ thị trường nhưng điểm mấu chốt là thanh khoản đang ngày càng suy yếu khiến rủi ro thị trường điều chỉnh tăng lên.
Theo nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), giao dịch trên thị trường đang dần trở nên nhàm chán khi mà tuần qua là tuần thứ 7 liên tiếp thanh khoản trung bình mỗi phiên suy giảm.
Mức thanh khoản “teo tóp” này khiến cho thị trường giao dịch ảm đạm và chỉ cần cung tăng nhẹ cũng khiến các chỉ số điều chỉnh. Mô hình vai-đầu-vai trên VN-Index đã được hình thành sau khi đánh thủng ngưỡng 965 điểm trong phiên 18-4.
Dù trong phiên 19-4, VN-Index có sự đảo chiều để lấy lại ngưỡng 965 điểm nhưng rủi ro mà thị trường điều chỉnh thêm là khá đáng kể. Theo đúng lý thuyết thì đích đến của nhịp giảm này sẽ là ngưỡng 920 điểm, nhóm phân tích từ SHS nêu quan điểm.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (22-26/4), xác suất giảm của VN-Index được đánh giá cao hơn với ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại 965 điểm (đường viền cổ - neckline của mô hình vai-đầu-vai) và xa hơn là quanh ngưỡng 950 điểm (MA200), ngưỡng 980 điểm (MA20-50) sẽ là kháng cự của VN-Index.
Có cái nhìn khá tương đồng, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC đưa ra nhận định thị trường vẫn sẽ chịu nhiều áp lực giảm điểm trong tuần tới. Các phiên tăng điểm (nếu có) chỉ được xem là các nhịp hồi mang tính kỹ thuật nhiều hơn.
"Chúng tôi không loại trừ khả năng VN-Index có thể giảm về vùng hỗ trợ 940-950 điểm trước khi cho tín hiệu hồi phục trở lại một cách rõ nét hơn trong ngắn hạn", BVSC khuyến nghị.