Chung tay vì TP.HCM và vì cả nước

(PLO)- Cùng với những trở ngại từ đại dịch COVID-19, TP chưa tận dụng tối đa một số cơ chế đã có thì các cơ quan trung ương cũng chưa hỗ trợ, hợp tác như mong đợi trong thực hiện Nghị quyết 54.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, có thể thấy những hạn chế trong quá trình triển khai.

Nhiều nội dung triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch. Về thuế, phí, ngoài phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp thì các loại phí khác chưa thực hiện được.

Ngoài ra, việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc TP quản lý phải tạm dừng với vướng mắc chủ yếu là phương án sử dụng đất của doanh nghiệp chưa được tháo gỡ. Với việc trì hoãn này, một nguồn thu lớn trên dự kiến của TP chưa trở thành hiện thực.

Một nguồn thu khác có thể lên đến hàng tỉ USD đến từ cơ chế TP được hưởng 50% tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền với đất của các cơ quan trung ương trên địa bàn. Đến nay, chỉ có hai cơ sở nhà đất thuộc diện này được phê duyệt phương án mà cũng chưa thực hiện việc bán. Việc chậm chuyển nhượng quyền sử dụng các khu đất “kim cương” cũng đồng nghĩa TP bị hạn chế khả năng thu hút đầu tư từ những doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Đây không chỉ là lãng phí nguồn thu, mà còn lãng phí cơ hội phát triển của TP cũng như cả nước.

Ngoài ra, chính sách thu hút chuyên gia và người có tài năng đặc biệt chưa được áp dụng nhiều. Cơ chế tài chính đặc thù giúp TP có thêm nguồn lực với mục tiêu hằng năm huy động 40.000-50.000 tỉ đồng cho đầu tư phát triển. Thế nhưng, năm năm qua, mới chỉ có nguồn từ thưởng và đầu tư trở lại từ ngân sách trung ương, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn Chính phủ vay ngoài nước cho TP vay lại, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Vì vậy, việc thực hiện mục tiêu huy động nguồn lực trên còn hạn chế.

Một số cơ chế ủy quyền cho TP và cấp TP ủy quyền cho các sở, ngành, địa phương chưa cụ thể, còn chờ văn bản hướng dẫn thêm. Công tác thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức chưa theo kịp với thực tiễn...

Nguyên nhân của những hạn chế trên vừa mang tính khách quan vừa mang tính chủ quan. Không thể phủ nhận những trở ngại từ đại dịch COVID-19 mà TP phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề; sự quá tải của bộ máy công quyền. Nhưng mặt khác, với nhiều lý do khác nhau, TP cũng chưa tận dụng tối đa một số cơ chế đã có trong Nghị quyết 54. Các cơ quan trung ương, cùng với đó, chưa hỗ trợ, hợp tác như mong đợi. Việc thực hiện bán tài sản công gắn liền với đất của các cơ quan trung ương trên địa bàn TP là một minh chứng.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết ngày 31-12-2023. Đây là khoảng thời gian để TP cùng các cơ quan trung ương liên quan tận dụng tối đa cơ chế đã có, đồng thời cùng rút kinh nghiệm, xây dựng cơ chế mới xứng với tiềm năng và kỳ vọng về vai trò của TP trong sự phát triển đất nước theo tinh thần đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra: “TP.HCM vì cả nước” và “cả nước vì TP.HCM”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm