Nói gì thì nói, những thông tin nghi vấn về quan lộ thần tốc của bà Quỳnh Anh, cùng khối tài sản kếch xù mà nữ trưởng phòng này được cho là sở hữu đang gây ra cho Thanh Hóa cuộc khủng hoảng truyền thông.
Còn nhớ trước đây khi câu chuyện này rộ lên, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã mau mắn vào cuộc. Đích thân Bí thư Thanh Hóa là ông Trịnh Văn Chiến đã lên tiếng khẳng định bà Quỳnh Anh không phải là “bồ nhí” của mình. Thậm chí chính quyền tỉnh Thanh Hóa còn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý những trang mạng đã đăng thông tin được cho là thất thiệt về Bí thư Trịnh Văn Chiến và bà Quỳnh Anh.
Lần này, khi thông tin về vụ việc được dấy lên một lần nữa, công luận lại thấy chính quyền tỉnh Thanh Hóa không chủ động cung cấp thông tin cho báo chí như trước đây. Tất cả vẫn chỉ dừng lại ở những phát ngôn nói rằng: Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đang làm rõ việc bổ nhiệm bà Quỳnh Anh. Trong khi các vấn đề về công việc hiện tại của bà Quỳnh Anh và tung tích của bà đều nằm trong tầm quản lý của chính quyền Thanh Hóa.
Một khi thông tin chính thống không được cung cấp kịp thời thì chính điều đó càng làm cho dư luận đồn đoán, bàn tán. Hệ quả dẫn đến là uy tín của quan chức liên quan và cả chính quyền đều bị ảnh hưởng.
Rõ ràng câu chuyện này không còn là chuyện cá nhân của ông bí thư, lại càng không phải là chuyện cá nhân của bà Quỳnh Anh. Khi đã đặt mình vào công vụ thì cũng đồng nghĩa ông bí thư, bà Quỳnh Anh và những cán bộ, công chức khác tự nguyện đặt mình dưới sự giám sát của người dân và công luận.
Thế nhưng những thông tin được phát đi những ngày qua dường như chỉ để đối phó và tất nhiên công luận hiểu Thanh Hóa đang chọn cách im lặng trước giông bão.
Trả lời báo chí về những vấn đề dư luận quan tâm, đó không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền Thanh Hóa trong việc cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật mà còn là cách bảo vệ chính mình. Bởi minh bạch không chỉ là bản chất của công vụ mà còn là một yêu cầu tất yếu của một sự chân chính.