Chuyên gia Đại học Sư phạm phân tích vụ học sinh quây cô giáo ở Tuyên Quang

(PLO)- Chuyên gia Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng vụ học sinh quây cô giáo ở Tuyên Quang có lỗi cả từ học trò, giáo viên và nhà trường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ hai báo cáo của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Công tác xã hội, Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những phân tích, đánh giá ban đầu về vụ việc đáng tiếc này.

Chuyên gia Đại học Sư phạm phân tích vụ học sinh quây cô giáo ở Tuyên Quang
PGS.TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Công tác xã hội, Đại học Sư phạm Hà Nội - có những phân tích ban đầu về vụ học sinh quây cô giáo ở Tuyên Quang. Ảnh: NVCC

Câu chuyện đáng tiếc lẽ ra có thể tránh được

Theo ông, hành vi của các em học sinh quây cô giáo ở Tuyên Quang là điển hình của bạo lực thể chất đối với cô giáo. Đó là việc quây, nhốt cô giáo H trong lớp học, sử dụng bạo lực tinh thần với cô, nói tục, có hành vi xúc phạm giáo viên, quay clip đưa lên mạng xã hội… Những hành vi này hoàn toàn không phù hợp với chuẩn mực đạo đức của người học trò và cũng bộc lộ sự bất lực của giáo viên.

Về phía trường THCS Văn Phú, theo thông tin ban đầu thì giữa cô giáo H và học sinh từ tháng 9 đã có va chạm, xung đột, ứng xử lệch chuẩn. Nhà trường đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo với cô giáo, nhưng đáng tiếc là dường như chưa có các biện pháp hiệu quả để phòng ngừa sự việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Đây là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự việc ngày 29-11, giữa giữa cô H với chính nhóm học sinh trước đó có mâu thuẫn với mình.

“Đây là vụ việc đáng tiếc vì cùng một vấn đề, cùng một giáo viên, và cùng nhóm học sinh các lớp 7C, 6A” - PGS. TS Nguyễn Thanh Bình nhận định.

Chuyên gia Đại học Sư phạm phân tích vụ học sinh quây cô giáo ở Tuyên Quang
Cô giáo H bị học sinh khóa trái cửa bên ngoài, nhốt trong phòng học. Bên trong, học sinh quây cô giáo, thực hiện những hành vi điển hình của bạo lực với chính giáo viên của mình. Ảnh cắt từ camera trường THCS Văn Phú

Vai trò của tư vấn tâm lý và công tác xã hội

Xét về đặc điểm độ tuổi, các em học sinh này đang vào giai đoạn thay đổi tâm, sinh lý. Bản thân các em còn nhiều hạn chế về kiểm soát cảm xúc, phân tích, xử lý, giải quyết tình huống, tìm kiếm sự trợ giúp hay sử dụng mạng xã hội… Đây là nguyên nhân từ phía các em dẫn đến vụ việc đáng tiếc.

Theo vị chuyên gia Đại học Sư phạm Hà Nội, sự việc học sinh quây cô giáo ở Tuyên Quang cho thấy cần chú trọng hơn nữa giáo dục văn hóa, đạo đức trong nhà trường, với sự tham gia của tất cả các thành phần từ học sinh, giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý, phụ huynh. Trong các hoạt động này, cần ưu tiên rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

Hiện nay, một số trường có thể đã bố trí chuyên viên tư vấn tâm lí và công tác xã hội để hỗ trợ các vấn đề mà học sinh có thể gặp phải. Những nhân lực như vậy có vai trò quan trọng, vừa chia sẻ áp lực với giáo viên, vừa chuyên môn hóa hoạt động tư vấn tâm lý học đường, có thể trở thành cầu nối, tháo gỡ những mâu thuẫn, hiểu lầm, khoảng cách giữa học sinh với giáo viên, thậm chí giữa phụ huynh với nhà trường, góp phần phòng ngừa và hạn chế những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo cách ấy, công tác xã hội trường học có nhiệm vụ lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ về sự việc đã xảy ra, phân tích những mặt chưa đúng từ cả 2 phía để rút kinh nghiệm.

Điều quan trọng là cần kết nối các bên cùng tham gia phân tích, giải quyết vấn đề. Cầu nối giữa nhà trường - gia đình - xã hội giúp xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện, văn minh, hạnh phúc, làm đẹp truyền thống “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc.

Ở khía cạnh quản lý nhà nước, PGS Nguyễn Thanh Bình cho biết với sự phát triển và yêu cầu ngày càng đa dạng, ngày càng cao của xã hội cũng như trong lĩnh vực giáo dục, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 20/2023, trong đó có quy định về vị trí việc làm tư vấn học sinh trong hệ thống các trường phổ thông. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương, các trường tiến tới chuyên nghiệp hóa công việc này.

Công an tiếp tục làm việc với học sinh

Cho đến sáng nay, 6-12, Công an huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, vẫn đang tiếp tục làm việc với một số học sinh và những người có liên quan trong sự việc đáng tiếc xảy ra ở trường THCS Văn Phú.

Trao đổi với báo chí, Hiệu trưởng Nguyễn Duy Sáng cho biết khi sự việc được cơ quan chức năng làm rõ, nhà trường sẽ xử lý nghiêm số học sinh vi phạm, nhưng sẽ chú trọng tính nhân văn, để các em nhận thức và có cơ hội sửa sai.

Chuyên gia Đại học Sư phạm phân tích vụ học sinh quây cô giáo ở Tuyên Quang
Cô giáo H bị học sinh khua quạt, gậy gỗ trước mặt đã không thể phản ứng gì ngoài việc dùng điện thoại tự quay lại diễn biến sự việc để làm chứng bảo vệ mình. Ảnh cắt từ clip sự việc

Như PLO đã đưa tin, qua các báo cáo của huyện Sơn Dương thì nguyên nhân của vụ việc học sinh quây cô giáo ở Tuyên Quang bắt đầu từ tháng 9, cô H dạy môn Âm nhạc có mâu thuẫn với học sinh lớp 6A, rồi dẫn tới những lời nói không đúng chuẩn mực đạo đức của giáo viên. Sự việc bị học sinh lớp 7C quay lại sau đó đăng tải trên Facebook. Vì việc này, ngày 21-11, cô H. bị nhà trường kỷ luật cảnh cáo…

Đến ngày 29-11, vào tiết 3 buổi sáng, cô H có giờ giảng ở lớp 7C thì học sinh ở đây có những phản ứng tiêu cực. Đến tiết 4, cô sang dạy tại lớp 6A, thì cuối tiết, một số học sinh lớp 7C sang đóng trái cửa, nhốt cô H trong phòng học. Những em này nói tục, có hành vi xúc phạm giáo viên. Các em tiếp tục quay video và đăng tải trên mạng xã hội Facebook.

Ban đầu, những clip bạo lực này chỉ ở diện hẹp. Nhưng trong thời gian Phòng GD&ĐT, Phòng Nội vụ, Công an huyện Sơn Dương và trường THCS Văn Phú đang yêu cầu học sinh, giáo viên giải trình, kiểm điểm thì ngày 2-12 lại lan tỏa diện rộng. Sự việc được báo chí phản ánh, trở thành tâm điểm dư luận mấy ngày qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm