Lột vỏ ra thấy lớp nhân bên trong mềm mềm, ăn như cơm của trái nhãn nên có người còn gọi là trái nhãn rừng. Trái giấy có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt lịm...
Trái giấy hay "trái dua"
Sự tích “trái dua”
Một số cụ cao tuổi sống ở Cù Lao phố nói rằng trái giấy còn có tên là trái dua (từ “dua” đọc trại giọng miền Nam của từ “vua”). Tương truyền, vua Gia Long (Nguyễn Ánh) từng ăn trái cây rừng này để lót lòng, đỡ đói trong những ngày tháng lưu lạc ở mảnh đất phương Nam xa xôi.
Trái giấy hay dân gian còn gọi là trái dua (vua), vì loại trái cây rừng này từng giúp vua Gia Long (Nguyễn Ánh) và đoàn quân lính ăn qua cơn đói khát
Chuyện kể rằng trong một lần đoàn tùy tùng, tướng tá theo Nguyễn Ánh chạy đến đất Gia Định - Đồng Nai bên cạnh bờ sông, cả đoàn mệt lử vì đói lả. Chợt Nguyễn Ánh nhìn thấy mé sông có một loại cây rừng trái chín vàng mọng. Nguyễn Ánh ăn thử thấy ngọt ngon nên bảo quân lính cứ hái ăn cho qua cơn đói khát.
Khu vực Nguyễn Ánh và quân lính ăn trái rừng nhả hạt xuống đất sau này mọc lên một rừng cây giấy. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, khôi phục giang sơn, dân gian mới đặt tên mảnh đất ven sông Đồng Nai xưa kia là “rừng chồi Gia Long”. Tuy nhiên, trong sách “Gia Định thành thông chí” (của Trịnh Hoài Đức biên soạn, Lý Việt Dũng dịch và chú giải) thì ghi rằng địa danh “rừng chồi Gia Long” là ở Bến Gỗ (bây giờ là xã An Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) chứ không phải là địa phận xứ Cù Lao Phố...
Cây giấy là loài cây thảo mộc, thân thấp
“Cây dua” chỉ trồng duy nhất ở Đồng Nai ?
Ngày xưa, cây giấy (hay cây dua) mọc thành rừng dọc theo bờ sông Đồng Nai. Qua bao lần biến đổi thổ nhưỡng và tốc độ đô thị hóa nên hiện giờ cây giấy hình như đã bị "tuyệt chủng". Chỉ còn ở nhà ông Huỳnh Văn Hoàng (65 tuổi) nằm ở khu xóm ven sông Đồng Nai thuộc khu phố 4, phường Bửu Hòa (TP Biên Hòa) sót lại ba cây giấy hiếm hoi.
Ông Huỳnh Văn Hoàng (65 tuổi) bên những cây giấy còn sót lại hiếm hoi ở khu đất nhà mình tại khu phố 3, phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai)
Ông Hoàng cho biết cây giấy là loại cây thảo mộc, cao tầm 2 m, thân nhỏ, lá như lá cây mận. Cây ra hoa kết trái quanh năm. Đặc biệt, mùa trổ bông, nhìn từ xa cây giấy như một lùm hoa trắng muốt, rất đẹp. Hoa cây giấy có mùi thơm dịu, dễ chịu. Bạn bè ông Hoàng đến nhà chơi nghe kể loài cây rừng mang nhiều “sự tích” hay nên xin chiếc nhánh về trồng. Điều “lạ lùng” là cây giấy không sống nổi ở bất cứ vùng đất nào ngoại trừ đất ven sông Đồng Nai.
Ông Hoàng cũng nhiều lần tính nhân giống trồng thêm nhiều gốc cây giấy xung quanh nhà nhưng cây chỉ sống và cao tầm 1 m là đột nhiên vàng lá chết khô. Cho nên ông Hoàng khẳng định chỉ khi nào cây giấy tự mọc trong môi trường tự nhiên, chứ người tự trồng không bao giờ thành công.
Người dân thường đến nhà ông Hoàng để xin hái trái giấy về chưng bàn thờ ông Địa trong nhà
Mùa trái giấy sai trái trĩu cành nhất là độ tháng 12 âm lịch kéo dài đến qua tháng Giêng. Nhà ông Hoàng không bao giờ hái bán trái giấy mà chỉ biếu tặng cho người thân, bạn bè ăn “lấy thảo” để biết thêm một loại trái cây rừng gắn bó với vua Gia Long.