Đường Lê A là con đường nhỏ nối thông với hai con đường lớn của TP Biên Hòa đường Phạm Văn Thuận và Nguyễn Ái Quốc. Cặp dọc theo đường Lê A là bên hông khách sạn Đồng Nai, còn bên kia đường là nhà của vài hộ dân.
Lê A là ai? Trong cuốn "Tên đường và công trình công cộng TP Biên Hòa" (do UBND TP Biên Hòa in và phát hành năm 2008) thì chỉ ghi vài dòng ngắn gọn "Lê A: Liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang, hy sinh năm 1972". Còn trên cổng thông tin điện tử Đồng Nai (www.dongnai.gov.vn) thì có ghi đầy đủ hơn: Lê A (sinh năm 1953, nguyên quán huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Năm 1965, anh theo gia đình từ miền Trung vào vùng đất Long Khánh (Đồng Nai) sinh sống. Tại đây khi vừa tròn 16 tuổi, Lê A giác ngộ cách mạng, tham gia vào đội du kích xã Bình Lộc (Long Khánh) và lập nhiều chiến công trận đầu đánh Mỹ vang dội. Năm 1972, trong trận đánh đồn địch tại Bình Lộc, người chỉ huy đội du kích Lê A đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống lúc tuổi đời vừa tròn 19. Năm 1978, liệt sĩ Lê A được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đọc dòng thông tin tiểu sử Lê A, người dân thấy tiếc giá như những người làm công tác đặt và đổi tên đường ở Biên Hòa ghi tóm tắt tiểu sử lai lịch của người anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi dưới tấm biển. Đây cũng là một phương cách trực quan sinh động và hiệu quả nhất giúp và tạo điều kiện cho người dân học và hiểu lịch sử dân tộc ngay tại trên đường phố. Trước đó, Phòng Văn hóa Thông tin Biên Hòa cũng có triển khai lắp đặt bảng tiểu sử danh nhân ở các đường nội ô nhưng làm lại không đồng bộ, chỉ lác đác vài con đường.
Không nhiều người đi lại trên con đường Lê A biết đường mang tên một anh hùng liệt sĩ, hy sinh lúc mới 19 tuổi
Khơi dậy tình yêu lịch sử nước nhà đâu cần hô hào. Người trẻ tuổi có thể học lịch sử ngay tại bảng tên những con đường qua lại hằng ngày. Điều này rất dễ làm, không hề tốn kém nhiều kinh phí.
Con đường Lê A trước đây còn là đường khu phố đất đá gồ ghề, đầu đường có tiệm hớt tóc nhỏ của ông già 80 tuổi. Tiệm hớt tóc của ông già chỉ rất đơn giản là tấm bạt căng từ cây cột điện qua vách sau nhà của người ta. Cái ghế đẩu, cái kéo, cái tông-đơ, những dụng cụ làm nghề "sờ đầu thiên hạ" của ông đều rất cũ kỹ.
Ông già hớt tóc bằng những thao tác rất chậm chạp. Ai mà 4 giờ chiều vô ngồi ghế cho ông hớt thì chắc đến 8 giờ tối mới xong cái đầu. Bởi vậy, ông già mới câu thêm bóng đèn nhỏ xíu để chiếu sáng khi trời sụp tối. Có khách thấy ông hớt lâu quá nên đâm ra bực mình, khoát tay bảo thôi, cũng trả tiền đầy đủ cho ông rồi bỏ đi qua... tiệm khác hớt tiếp.
Giá như ngay dưới bảng tên đường có gắn thêm tấm biển ghi tiểu sử, công trạng của danh nhân. Đây cũng là một cách học lịch sử ngay trên đường phố.
Con đường Lê A sau này cũng được làm mới, trải nhựa, thẳng tít. Tiệm hớt tóc của ông già 80 tuổi cũng đã bị "giải tỏa" trắng. Thay vào đó là quán bánh canh đuôi heo bà Chín nổi tiếng "gia truyền" 50 năm nay. Khách kéo tới nườm nợp bởi có lẽ họ không thể quên được cái hương vị nồi nước lèo bốc khói nghi ngút thơm mùi hành phi, khúc đuôi heo hầm giòn rụm? Chỉ tiếc hình dáng cụ già hớt tóc năm xưa không còn nữa...