|
Anh Thuận thuê làm một tấm bảng ghi đầy đủ thông tin, hình ảnh và nhất là lời xin lỗi tận đáy lòng với vợ con, treo lên xe rồi chạy khắp con đường ngõ hẻm ở TP.Vĩnh Long với mong muốn mọi người cùng nhau tìm kiếm giúp.
Và cuối cùng, từ việc tìm kiếm vợ không giống ai này đã làm cho người vợ cảm động tha thứ mọi lỗi lầm và ẵm con trở về đoàn tụ gia đình.
Cuộc điện thoại rơi nước mắt
Chỉ cách xa nhau hơn một tuần, nhưng tình cảm vợ chồng của anh Nguyễn Hoàng Thuận và chị Trần Thị Thúy Phương như ghi dấu vào một bước ngoặt mới. Chị Phương ngấn lệ kể: Chiều 3.7, khi tôi đi bán vé số về nhà trọ ở Thủ Đức (TP.HCM), lúc đó khoảng 8-9 giờ tối gì đó, bà chủ nhà trọ ở cùng với đứa con gái chạy đến đưa mấy tấm hình trong điện thoại trên trang Báo cho tôi xem vì giống mẹ con tôi quá. Vừa xem xong, không thể tin vào mắt mình, tôi ôm con khóc nức nở và đón xe tốc hành về Vĩnh Long tìm chồng ngay trong đêm khuya.
|
“Lần này ra đi tôi đã quyết định không trở về nữa. Tôi đã để điện thoại của tôi ở nhà cho ảnh để ảnh không phải điện thoại hay nhắn tin gì hết. Sống với ảnh chỉ có 6 năm, nhưng đã di dời gần chục chỗ ở từ tỉnh này đến tỉnh khác. Mỗi khi ảnh nóng giận thì không ai cản nỗi, tôi rất sợ. Nhưng khi xem qua hình ảnh và việc làm không giống ai của anh ấy tôi đã cảm động và quay trở về. Lúc này tôi thấy thương anh ấy hơn bao giờ hết.
Nếu ở TP.HCM, tôi điện thoại sợ ảnh sẽ chạy lên gặp nguy hiểm nên tôi cùng con về tới bến xe Vĩnh Long mới điện cho anh ấy. Ngay tiếng nói đầu tiên, anh ấy đã nhận ra em. Cả hai như thấu hiểu và khóc ngay trong cuộc điện thoại… Lúc này trời đã khuya, nhưng anh ấy vẫn còn đang tìm kiếm tôi trên các con đường ở TP.Vĩnh Long”, chị Phương xúc động kể.
|
Anh Thuận cũng rưng rưng nhớ: “Khi nhận biết tiếng nói của vợ, lúc này tôi chỉ muốn gặp ngay lập tức để được ôm vợ con vào lòng. Hai vợ chồng gặp nhau chỉ biết khóc, vợ tôi đã tha thứ và hai đứa quyết định bám trụ lại TP.Vĩnh Long kiếm việc làm, nuôi con. Tôi tìm được vợ nhờ có sự giúp sức rất lớn của cộng đồng, các cơ quan báo chí đã thông tin để mọi người cùng tìm giúp. Nhân đây, tôi xin gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người đã giúp đỡ tôi trong thời gian qua. Tôi xin hứa sẽ làm lại cuộc đời, ráng làm việc để nuôi con và không bao giờ nóng giận, xua đuổi vợ con như trước nữa”, anh Thuận khẳng định.
Cách tìm vợ “độc nhất vô nhị”
“Vì nóng giận mà xua đuổi vợ con. Nay tôi viết bài viết này gửi đến cộng đồng xã hội xin tha thứ người chồng như tôi để giúp một tay tìm vợ, nói lên lời hối hận tận đáy lòng. Xin chân thành cám ơn tất cả mọi người! Xin chia sẻ rằng mọi người đừng giống như tôi để rồi hối hận muộn màng…”.
Đây là một trong những trường hợp chồng đi tìm vợ lạ đời nhất từ trước tới nay. Theo anh Thuận, trước đó, hai vợ chồng cùng đứa con sống ở một căn nhà trọ tại TP.Long Xuyên (An Giang). Anh và vợ có cự cãi nhau và trong lúc nóng giận anh đã xua đuổi vợ đi.
Chiều cùng ngày, sau khi anh đi làm về, thấy cửa phòng trọ khóa, điện thoại cho vợ không được, sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, anh quyết định đi tìm vợ. Trong suốt mấy ngày trời tìm kiếm khắp nơi, anh thấy chỉ hỏi han không hiệu quả nên quyết định tìm vợ bằng cách dựng bảng và chạy đi khắp nơi để tìm vợ.
|
|
Anh Thuận kể rằng, quê gốc anh ở Vĩnh Long, từ bé đã theo cha mẹ sang Campuchia để sinh sống. Nhưng rồi đến năm 12 tuổi, cha mẹ đột ngột qua đời, anh một mình quay lại tỉnh An Giang với đôi chân dị tật (bị tai nạn giao thông, cụt chân phải) và mưu sinh bằng nghề bán vé số. Anh sống rày đây mai đó, vừa bán vé số vừa học lóm chữ ở những người bạn… Nhờ duyên số, năm 2008, anh Thuận đã quen được chị Trần Thị Thúy Phương (31 tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) qua mạng.
Cảm mến chàng trai mồ côi, chịu thương chịu khó, chị Phương đã đem lòng yêu mến. Mặc dù gia đình kịch liệt phản đối nhưng vì mối tình quá sâu đậm nên chị Phương đã quyết định dứt áo theo anh Thuận lập mái ấm gia đình riêng.
Do không có nghề nghiệp ổn định, cả hai không nơi nương tựa đành phải sống lang bạt khắp nơi. Rong ruổi mãi, cuối cùng họ đã chọn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm chốn dừng chân. Tại đây, chị Phương đã không quản khó nhọc với nghề thợ may, chắt mót từng đồng để anh Thuận có tiền đi học nghề sửa điện thoại. Năm 2010, vợ chồng anh có được đứa con gái và đặt tên Nguyễn Phương Yến Nhi.
Khi có được cái nghề trong tay, anh Thuận bắt đầu làm ra tiền. Tuy nhiên, trong bước đường mưu sinh lập nghiệp, ai cũng có lúc va vấp. Vì vậy, vợ chồng anh đã phải tiếp tục tha phương cầu thực, liên tục xê dịch nơi cư trú hết nơi này đến nơi khác....
Rồi từ Đồng Nai, anh đã lần hồi tìm đến mãi tận Sóc Trăng để lập nghiệp. Tại đây, anh gầy dựng được một cơ sở mua bán và sửa chữa điện thoại. "Tuy nhiên, có tiền nhiều; đó cũng là lúc tôi bắt đầu thay đổi, quen biết nhiều người và thường xuyên ăn chơi. Tôi dần dần bị cuốn vào mặt trái của xã hội và xem thường vợ con. Đến khi phá sản, tôi lại dẫn vợ con về Long Xuyên (An Giang) ở trọ được hai tuần thì xảy ra cự cãi và đuổi vợ đi" - anh Thuận bùi ngùi kể.
"Khi đã mất đi người thân, giá trị lớn nhất của cuộc đời, tôi mới thấu hiểu được mọi việc và thực sự thành tâm hối cãi" - anh nói với chúng tôi, mà ánh mắt thành tâm như một cách tự răn chính bản thân mình.
Theo Thanh Đức (TNO)