Trong quá trình khám chữa bệnh, khả năng chuyên môn của cơ sở y tế có giới hạn. Khi tình trạng bệnh lý của người bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của một cơ sở y tế thì cần chuyển tuyến để bệnh nhân được điều trị tốt hơn. Thế nhưng nếu chuyển tuyến một cách tự do, thiếu kiểm soát thì hệ thống y tế có thể quá tải. Vì vậy, việc duy trì thủ tục chuyển việnlà rất cần thiết…
Tại phiên thảo luận ở Quốc hội hôm 20-11, GS Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) nhận định việc bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là “rất phiền toái, rất mất thời gian, rất mệt mỏi”. Ông kiến nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển viện, đồng thời đẩy mạnh thông tuyến bệnh viện để người dân chữa bệnh ở đâu cũng được…
Tôi nghĩ ở đây chúng ta cần khái niệm rõ “giấy chuyển viện”. “Một tờ giấy” hiểu theo đúng nghĩa đen - một tờ giấy được in ấn, ký tá, đóng mộc và muốn có phải chuyền tay nhiều người, mất nhiều thời gian, công sức - thì tôi cho là không còn cần thiết trong bối cảnh chúng ta đã và đang số hóa ngày càng tốt cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh (KCB) cũng như lưu trữ, truyền tải, chuyển đổi quy trình theo hướng “không dùng giấy”.
Thế nhưng thủ tục chuyển viện, hay nếu hiểu “giấy chuyển viện” - theo nghĩa cần có sự xác định về chuyên môn của cơ sở y tế này về tính cần thiết để chuyển bệnh nhân sang cơ sở y tế khác có bác sĩ phù hợp hơn, có máy móc, thiết bị tốt hơn, có kinh nghiệm chuyên môn hơn… - thì “giấy chuyển viện” là rất cần thiết vì nó có ích cho cả cơ sở y tế và bệnh nhân.
Thứ nhất, khi bệnh nhân được chuyển tuyến, ngoài giá trị về thủ tục hành chính vàquyền lợi về BHYT thì thủ tục chuyển viện còn giúp truyền tải thông tin chi tiết của bệnh nhân, lịch sử điều trị, lý do chuyển tuyến…
Thứ hai, thủ tục chuyển tuyến giúp phân nhóm bệnh nhân phù hợp với các cấp bậc, tầng nấc cơ sở y tế. Tâm lý “bệnh viện tuyến trên lúc nào cũng tốt hơn tuyến dưới” là rất phổ biến ở người dân, nên nếu xóa bỏ thủ tục chuyển tuyến thì nguy cơ quá tải ở các tuyến trên là rất cao. Trong khi đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 đã quy định các tiêu chí của cơ sở KCB được phân làm bốn cấp chuyên môn, kỹ thuật; trong khi đó luật mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 cũng chia thành ba cấp. Bác sĩ sẽ hiểu rõ nhất bệnh nhân nên được điều trị ở cơ sở nào là tốt nhất.
Ví dụ, đợt dịch COVID-19 năm 2021 cho thấy nếu ai có (dấu hiệu) bệnh cũng kéo đến bệnh viện; ai cũng muốn đến bệnh viện tuyến trên thì lợi bất cập hại, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác điều trị.
Như vậy, việc bỏ “thủ tục chuyển viện bằng giấy” là cần thiết và cần được nghiên cứu triển khai sớm khi bối cảnh hạ tầng số ngành y tế đã được nâng cấp đáng kể, đặc biệt từ sau đại dịch. Về nhân lực, chúng ta thí điểm các chương trình thu hút bác sĩ về y tế cơ sở nhiều hơn; nâng cao tính chủ động và nghiệp vụ hơn.
Về thủ tục hành chính cũng được cải thiện theo hướng chuyển đổi số rất tích cực, giúp các quy trình hành chính trở nên nhanh, gọn hơn. Ví dụ như đăng ký khámbệnh qua điện thoại, sử dụng CCCD có gắn chip để đăng ký KCB, sử dụng các đầu đọc QR code để giảm thời gian nhập liệu… Chỉ riêng với hồ sơ về bệnh án điện tử, Bộ Y tế đã có Thông tư 46/2018 quy định đến năm 2028 tất cả cơ sở KCB phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Ngoài ra, các bệnh viện còn liên thông dữ liệu KCB lên cổng BHYT…
Trong bối cảnh đó, nói như Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, để giảm thủ tục hành chính rườm rà, bất tiện, mất thời gian, Bộ Y tế cần sớm áp dụng hình thức chuyển tuyến điện tử để giải tỏa khó khăn cho người dân.