Xin hỏi những người đi xem phim ở rạp rồi livestream hoặc quay lén, sau đó phát tán lên các trang mạng xã hội gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất thì có vi phạm pháp luật gì không? Nếu có thì sẽ bị xử lý ra sao?
Bạn đọc Vĩnh Đạt
Luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Các hành vi livestream hoặc quay lén trong rạp chiếu phim như đã nêu ở trên đã vi phạm đến quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Cụ thể, khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ quy định các hành vi xâm phạm quyền tác giả, trong đó có hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp sao chép để nghiên cứu cá nhân. Khoản 5 Điều 35 luật này cũng quy định các hành vi xâm phạm quyền liên quan bao gồm sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
Do vậy, người nào đi xem phim ở rạp rồi livestream hoặc quay lén rồi phát tán lên các trang mạng xã hội gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất thì đã có hành vi vi phạm pháp luật. Các hành vi xâm phạm đến quyền tác giả và quyền liên quan đều bị xử lý nghiêm, xử phạt theo Nghị định 131/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017).
Theo đó, tại Điều 27 nghị định này quy định phạt tiền 15-35 triệu đồng đối với hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
(PLO)- Thời lượng bộ phim điện ảnh Lộ mặt chỉ 90 phút nhưng gần 75 phút của phim này đã bị quay lén đăng tải trên một trang Facebook bán hàng.