Ngày 1-7-2017, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết 03/2017 quy định về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa án chính thức có hiệu lực.
Tính đến ngày 16-4 đã có hơn 1,3 triệu bản án, quyết định được công bố trên cổng thông tin của TAND Tối cao, thu hút hàng ngàn lượt truy cập mỗi ngày.
Đáng chú ý, bản án được xem nhiều nhất là Bản án số 427/2019/HC-PT ngày 9-7-2019 của TAND Cấp cao tại TP.HCM.
Kiện vì cho rằng bồi thường thu hồi đất không đúng
Bản án số 427 có nội dung là vụ án hành chính giữa người khởi kiện là ông H với người bị kiện là UBND thị xã T, chủ tịch UBND thị xã T và chủ tịch UBND tỉnh B. Đây cũng là bản án có nhiều ý kiến phản hồi nhất.
Theo ông H, gia đình ông bị thu hồi 2.899 m² đất vào năm 2012 nhưng đến ngày 18-12-2014 ông mới nhận quyết định bồi thường. Ông H không đồng ý nhận tiền bồi thường vì cho rằng việc thực hiện việc giải tỏa, bồi thường đất của ông trái quy định (áp giá không đúng-PV).
Vì vậy, ông khởi kiện UBND thị xã T, chủ tịch UBND thị xã T và chủ tịch UBND tỉnh B yêu cầu hủy các quyết định về thu hồi đất, về phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư và quyết định giải quyết khiếu nại bác đơn của ông...
Chủ tịch UBND thị xã T và UBND thị xã T đều cho rằng việc bồi thường, hỗ trợ cho gia đình ông H là đúng theo phương án bồi thường và đúng theo quy định. Chủ tịch UBND tỉnh B cũng cho rằng việc bác đơn khiếu nại của ông H là đúng nên đề nghị tòa bác đơn khởi kiện của ông H; công nhận nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh B.
Xử sơ thẩm hồi tháng 7-2018, TAND tỉnh B đã bác yêu cầu khởi kiện của ông H. Sau đó, ông H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Phúc thẩm sửa án, người dân thắng kiện
Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng ngày 18-12-2014, Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất mới công bố và bàn giao quyết định bồi thường (ký ngày 16-10-2012) cho ông H. Ông H không đồng ý giá bồi thường tại quyết định này (áp giá năm 2012) mà phải bồi thường theo giá đất năm 2015.
Theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 69/2009 thì giá đất tính bồi thường là giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất và hiện nay ông H vẫn chưa nhận được quyết định thu hồi đất. Do đó, ông H đề nghị được bồi thường giá đất tại thời điểm thu hồi đất là có căn cứ.
Mặt khác, theo Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã T, lý do sau hai năm mới triển khai quyết định bồi thường là do từ tháng 10-2012 đến tháng 11-2014 nguồn vốn phân bố cho dự án không đủ để chi trả bồi thường cho dân nên không mời ông H đến để giao quyết định và chỉ trả tiền bồi thường.
Như vậy, việc ông H không được nhận bồi thường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất của UBND huyện T không phải lỗi từ phía ông H mà lỗi từ cơ quan chủ quản.
Cạnh đó, theo HĐXX phúc thẩm, tại quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh B bác đơn của ông H có nội dung: Việc ông H yêu cầu bàn giao trực tiếp quyết định thu hồi đất là không có cơ sở xem xét, giải quyết vì Nghị định 69/2009 không quy định phải bàn giao trực tiếp quyết định thu hồi đất, chỉ quy định gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người có đất bị thu hồi.
Tuy nhiên trong trường hợp này, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện T không “gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư" đến ông H mà chỉ mời ông H đến UBND xã để công bố và bàn giao quyết định thu hồi đất là trái với quy định của pháp luật...
Từ đó, HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của ông H, sửa bản án sơ thẩm hủy các quyết định về thu hồi đất, về phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư và quyết định giải quyết khiếu nại...
Cái hay của bản án
Các lập luận của tòa án cấp phúc thẩm phù hợp với quy định của pháp luật và giúp thay đổi suy nghĩ “con kiến mà kiện củ khoai” khi người dân kiện chính quyền.
Cụ thể, tòa án đã căn cứ vào các quy định của pháp luật như Thông tư 14/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nghị định 69/2009 để xác định giá đất tính bồi thường là giá đất tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Tòa còn viện dẫn trong một số trường hợp cụ thể nếu giá đất tại thời điểm thu hồi đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường để xác định lại giá đất cụ thể để quyết định giá đất tính bồi thường cho phù hợp và không bị giới hạn bởi quy định về khung giá các loại đất.
Do đó, ông H đề nghị được bồi thường giá đất tại thời điểm năm thu hồi đất là có căn cứ. Đây là lập luận giúp bảo vệ quyền lợi của người dân khi nhà nước áp giá bồi thường khi thu hồi đất.
Hơn nữa, tòa án đã rất công tâm trong việc xác định lỗi dẫn đến việc ông H không được nhận bồi thường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất.
Cụ thể, khi các cơ quan chức năng giải thích lý do sau hai năm mới triển khai quyết định bồi thường là do nguồn vốn phân bố cho dự án không đủ để chi trả cho người dân. Từ đó, tòa đã xác định việc ông H không được nhận bồi thường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất không phải lỗi từ phía ông H mà lỗi từ cơ quan chủ quản. Việc rạch ròi trong việc xác định lỗi của ai cũng là bài học cho các cơ quan chức năng.
Tòa còn dựa vào lập luận ngay trong quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh B để chỉ ra rằng việc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Tân Uyên không “gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” đến ông H là người có đất bị thu hồi mà chỉ mời ông H đến UBND xã để công bố và bàn giao quyết định thu hồi đất là trái với quy định.
Với những sai phạm trên, tòa cấp phúc thẩm đã sửa án tuyên người dân thắng kiện.
Việc tòa án cấp phúc thẩm tuyên sửa án như trên là khách quan, công bằng, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo lòng tin nơi người dân và thực hiện đúng với tinh thần cải cách tư pháp, lấy toà án làm trung tâm.
Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai)