Thông tin từ BS Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết bệnh nhân Ph.Th.T.T. (41 tuổi, ngụ Phú Quốc, Kiên Giang) được chuyển đến BV trong tình trạng rối loạn tri giác, suy gan, suy thận, suy tim, phổi bị tổn thương do ong đốt hơn 70 mũi.
Sau bốn ngày điều trị tại BV, bệnh nhân được các bác sĩ điều trị tích cực đã tiến triển tốt, tri giác có phần phục hồi. May mắn nằm trong nhóm không bị sốc phản vệ, không tụt huyết áp thuận tiện cho việc di chuyển vào Chợ Rẫy. Tuy nhiên, bệnh nhân hiện tại vẫn đang trong tình trạng khá nguy kịch, phải thay huyết tương, lọc máu, chạy thận trong hai tuần kế tiếp.
Cô giáo T. vẫn đang được điều trị tại BV Chợ Rẫy, TP.HCM. Ảnh: HP
Được biết bệnh nhân T. là cô giáo ngữ văn Trường THPT Phú Quốc, Kiên Giang. Trên đường đi làm về cô T. bị một đàn ong vò vẽ đốt 70 mũi. Ngay sau đó cô T. được người nhà đưa đến BV huyện Phú Quốc cấp cứu rồi chuyển tiếp lên BV Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch.
Với chi phí 15 triệu đồng/ngày, tính đến nay bệnh nhân T. đã phải điều trị với số tiền viện phí là hơn 120 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình chỉ tạm ứng được 40 triệu đồng, do số tiền điều trị quá cao, vượt ngoài điều kiện của gia đình.
Cách sơ cứu khi bị ong đốt Theo các bác sĩ, kinh nghiệm với người sau khi bị ong đốt cần phải hết sức bình tĩnh, cần tìm chỗ tránh ngay, không vung tay xua đuổi ong loạn xạ càng thu hút số lượng ong tới nhiều hơn. Nọc ong được chứa trong hai tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít ong. Vì vậy, sau khi bị ong chích, cần rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng và dùng kềm nhỏ để rút hết các vòi chích của ong ra. Có thể đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề trong khoảng 15-20 phút để làm giảm đau và giảm sưng. Phát hiện nạn nhân bị ong vò vẽ đốt nên đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan chuyển sang nơi khác. Phần bị chích nên để ở vị trí thấp hơn tim và nhanh chóng vận chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. |