"Vậy thì, giữa những bất định của thế giới và cá nhân, các con làm gì để cân bằng, ổn định?"- Những dòng tâm sự của cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, giáo viên trường THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM gửi tặng các em học sinh khối 12 trong lễ trưởng thành.
Cô Nguyễn Thị Minh Ngọc (ở giữa) chia sẻ với học sinh khối 12 trong lễ trưởng thành. Ảnh: FBNV
Những dòng chữ thấm đấm tình yêu thương, sự chia sẻ, động viên của một người mẹ dành cho đàn con thơ sắp rời xa mái trường.
Đây là một năm rất đặc biệt. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lịch học của các em bị xáo trộn. Điều đó đã ảnh hưởng không ít đến tâm lý cũng như quá trình học tập của học trò. Do đó, cô Ngọc đã gửi "tâm thư" tặng học sinh khối 12 với chủ đề “Ổn định trong thế giới bất định”.
Bài viết của cô khi đăng tải trên trang facebook cá nhân đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ phía bạn đọc, đặc biệt là những người công tác trong ngành giáo dục.
PLO.VN xin phép đăng tải, có trích lược lời nhắn gửi của cô Minh Ngọc dành cho học sinh thân yêu.
“Yêu thương gửi các con của thầy cô!
Thật hạnh phúc và may mắn, là chúng ta lại được ngồi ở đây, để cùng nhau chứng kiến giây phút lễ trưởng thành.
Điều mà cách đây vài tháng, chúng ta chưa dám nghĩ tới, buổi lễ này sẽ được tổ chức.
Điều mà đầu năm học, với một kế hoạch chi tiết trong cuốn sổ tay học sinh, chúng ta không hề nghĩ tới việc mình sẽ tạm biệt nhau trong một buổi sáng tháng 7.
Cho đến hôm nay, sau khi đã cùng nhau nắm tay, đồng hành, trải nghiệm 1 năm học thật sự rất rất đặc biệt, chúng ta mới thấm thía bài học 2 vế mà đại dịch COVID-19 đã dạy chúng ta.
Chuyện gì cũng có thể xảy ra vì thế giới là bất định
Ở vế thứ nhất: bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, bởi vốn dĩ, cuộc sống là bất định.
Ở vế thứ hai: bất cứ chuyện gì cũng có cách giải quyết, bởi vốn dĩ, trong ta luôn có sự ổn định.
Đó là lý do, ngày hôm nay, thầy cô muốn trò chuyện cùng các con về bất định và ổn định trước khi các con bước vào đời, là 1 công dân thực thụ, với tất cả quyền lợi và trách nhiệm của 2 tiếng đó.
Trước hết, hãy bàn về sự bất định.
Bản chất của thế giới là vận động không ngừng. Bởi vậy, chúng ta không khi nào dự đoán nổi điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, ngay cả khi ta được rèn luyện kĩ năng lập kế hoạch, kĩ năng phán đoán, kĩ năng phân tích…
Hành trình dịch COVID-19 hủy hoại thế giới chỉ trong vòng nửa năm qua chính là một minh chứng cho những bất định mà con người phải đối mặt, bất chấp sự tiến bộ vượt bậc không ngừng của y học nói riêng, khoa học nói chung.
Dịch bệnh, thiên tai, ô nhiễm môi trường, sự gia tăng chóng mặt của công nghệ và trí thông minh nhân tạo, sự thay đổi cấu trúc nghề nghiệp trong tương lai… Thế hệ các con sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính thách thức hơn là thế hệ ba mẹ, thầy cô của các con.
Một ví dụ đơn giản là thời đi học, những rắc rối mà ba mẹ, thầy cô gặp phải chỉ giới hạn trong một không gian hẹp: một ngôi trường, một gia đình, một khu phố… Thì giờ đây, với các con, những rắc rối, thậm chí nguy cơ có thể đến từ bất cứ nơi đâu trên khắp thế giới, thông qua đồ vật gần con nhất: chiếc smartphone con cầm trên tay có kết nối mạng internet.
Cùng với thế giới bất định là cá nhân bất định.
Bởi lẽ, bản thân mỗi chúng ta cũng luôn luôn ở trong trạng thái không ngừng thay đổi, nhiều khi bất ổn, xáo động và hoang mang, nhất là lúc ta ở quãng ngày tuổi trẻ. Những điều hôm nay con nghĩ, những cảm xúc hôm nay con có, những hành động hôm nay con hạ quyết tâm, biết đâu chừng, sẽ thay đổi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Càng bước vào thế giới rộng lớn, xa dần những không gian thân thuộc, bình yên, sự bất định của mỗi cá nhân lại càng tăng lên. Bởi vây bọc xung quanh các con, bên cạnh yêu thương, thấu cảm, sẻ chia sẽ luôn xuất hiện định kiến, phán xét, đánh giá, ngụy biện, chỉ trích, tâm lý đám đông và rất nhiều cám dỗ làm con lạc hướng…
Học sinh khối 12 trường THPT Đinh Thiện Lý trong ngày lễ trưởng thành. Ảnh: FBNV
Ổn định trong thế giới bất định
Vậy thì, giữa những bất định của thế giới và cá nhân, các con làm gì để cân bằng, ổn định?
Con ổn định bằng việc xác định và xây dựng cho mình hệ giá trị mà con hướng tới trong cuộc sống.
Hệ giá trị sống đó chính là điểm định vị “con là ai”, “con trở thành ai” trong cõi đời này. Hệ giá trị sống đó quyết định mọi sự lựa chọn của con, nhất là sự lựa chọn trên những lằn ranh mỏng manh của vị tha hay vị kỉ, thấu cảm hay vô cảm, yêu thương hay căm ghét, đấu tranh hay nhượng bộ…
Con ổn định bằng thái độ và hành động tích cực.
Con không thể kiểm soát người khác, con chỉ có thể kiểm soát bản thân. Con không thể kiểm soát những điều xảy ra với mình, con chỉ có thể kiểm soát thái độ, cảm xúc và hành động của con trước những sự việc ấy. Công thức 90/10 nói với ta rằng chỉ 10% nằm ở những điều xảy ra cho ta và 90% quyết định nằm ở những gì ta phản ứng. Vậy nên, hãy tập trung năng lượng bên trong con cho những thái độ, hành vi tích cực. Kể cả khi cuộc sống ném về phía con những thử thách, khó khăn, sai lầm, tập mỉm cười, hít thở sâu, và nói “mình lại có cơ hội trải nghiệm để trưởng thành”.
Con ổn định bằng sức mạnh của niềm tin.
Con tin ở chính con, con tin vào mọi người và con tin vào vũ trụ. Con có quyền thất vọng, có quyền đổ vỡ niềm tin nhưng mong con hãy nhớ: thất vọng, đổ vỡ với một người hay một số người không bao giờ đặt dấu chấm hết, họ không đại diện cho tất cả, họ không quyết định cuộc đời con.
Xét cho cùng, người bạn đường tin cậy, trung thành, tận tụy, đáng mến nhất của con chính là bản thân con, người đồng hành luôn vì con trong mọi hoàn cảnh là ba mẹ con và người hỗ trợ âm thầm cho con là sự tốt lành của vũ trụ, tồn tại, có thật trong đời như cây táo luôn nở hoa và rãnh nước luôn trong veo bất chấp mọi xấu xa, nghịch cảnh.