Ngày 21-10, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng các hiệp hội nước mắm truyền thống đã gửi bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công an.
Bản kiến nghị nêu rõ việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) Việt Nam (Vinastas) đưa thông tin không chính xác đã gây nhầm lẫn cho NTD, gây thiệt hại cho ngành nước mắm truyền thống.
Hậu quả khá nghiêm trọng
“Nước mắm là sản phẩm truyền thống, là quốc hồn, quốc túy của Việt Nam, gắn liền với cuộc sống của người dân Việt Nam, được tiêu dùng rộng rãi từ hàng trăm năm nay. Nhưng ngày 17-10-2016, Vinastas đã ra thông cáo báo chí công bố kết quả kiểm tra 150 mẫu nước mắm, trong đó có đoạn sau: “Đặc biệt, có đến 101 (67,33%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu asen (thạch tín) - một loại á kim cực độc… Điều đáng chú ý, các mẫu có độ đạm càng cao, tỉ lệ các mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng (95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên có hàm lượng vượt ngưỡng quy định”.
Theo các hiệp hội, công bố này của Vinastas đã gây nhầm lẫn giữa asen hữu cơ - luôn có mặt trong cá biển, không độc - với asen vô cơ rất độc. Nội dung công bố trên chẳng những không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nồng độ asen trong thực phẩm nói chung, trong nước chấm nói riêng mà còn không phù hợp với QCVN 8-2:2011/BYT trong đó hàm lượng asen, được hiểu là vô cơ, trong nước chấm là 1 mg/lít.
Văn bản của các hiệp hội nhấn mạnh: “Việc khẳng định nước mắm độ đạm càng cao, tỉ lệ nhiễm asen càng lớn đã tác động trực diện, với hậu quả khá nghiêm trọng đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam. Nếu không xử lý kịp thời chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến ngành khai thác cá biển”.
Đặc biệt, theo các hiệp hội, với tuyên bố một cách chung chung asen là chất cực độc đã làm cho NTD cực kỳ hoang mang; có nhiều dấu hiệu cho thấy NTD đang chối bỏ nước mắm truyền thống, một vài siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã thông báo tạm dừng mua hàng của các nhà sản xuất nước mắm truyền thống.
Nước mắm truyền thống thiệt hại do thông tin không chính xác. Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất nước mắm tại huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Cần xử lý để không tái diễn
Trước tình hình đó, các hiệp hội đã thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức độ gây thiệt hại của thông cáo báo chí của Vinastas đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống và cảnh cáo để không tiếp tục xảy ra trường hợp tương tự.
Các hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ liên quan công bố công khai trên thông tin đại chúng việc asen hữu cơ có mặt trong nước mắm không gây hại đến sức khỏe NTD, đồng thời làm rõ mức giới hạn ô nhiễm asen trong nước mắm.
“Quy chuẩn kỹ thuật về nước mắm được Bộ Y tế soạn thảo từ năm 2012 nhưng đến nay chưa được ban hành. Do đó các hiệp hội đề nghị Thủ tướng chuyển giao việc soạn thảo và ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho nước mắm sang Bộ NN&PTNT để phù hợp với chuyên môn, đồng thời thúc đẩy việc ban hành nhanh chóng quy chuẩn kỹ thuật này” - các hiệp hội đề xuất.
Phát tờ rơi hạ bệ nước mắm truyền thống
Theo văn bản kiến nghị này, mặc dù Vinastas tuyên bố không công khai danh sách nhãn hàng nước mắm có dư lượng asen nhưng không hiểu sao sau đó danh sách này đã được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội.
Không dừng lại ở đó, còn có hiện tượng danh sách này được một số người đi phát trực tiếp cho NTD tại các chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ... từ đó, các hiệp hội đã thống nhất kiến nghị Thủ tướng và các cơ quan chức năng xử lý, ngăn ngừa những hành động gây thiệt hại đến ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam.
các hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ liên quan kiểm tra và xử phạt nghiêm hành vi phát tán trái phép danh sách nhãn hàng nước mắm có hàm lượng asen, thực chất là không gây hại.
Và cho rằng đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây hoang mang cho NTD, xâm hại nghiêm trọng uy tín của nước mắm truyền thống.
Có dấu hiệu bất thường Trả lời về vụ thông tin “nước mắm chứa asen vượt ngưỡng” và trách nhiệm của cơ quan báo chí xung quanh vụ việc này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhận xét vụ việc này “không bình thường” và “đó là một sự cố truyền thông”. Theo ông Tuấn, kết quả khảo sát của Vinastas về thạch tín trong nước mắm, nếu công bố một cách trung thực thì phải công bố các mẫu nước mắm được khảo sát không nhiễm thạch tín theo QCVN 8-2:2011/BYT mới chính xác. Về động cơ, theo ông Tuấn, sự tùy tiện và sai phạm của những người tổ chức khảo sát và công bố thông tin, liệu có ai đứng đằng sau điều khiển việc đó, các cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ. Theo Bộ trưởng, vụ việc cũng cho thấy “có dấu hiệu bất thường” của một số cơ quan báo chí trong việc công bố thông tin trên. Bất thường ở chỗ cùng một sự kiện mà một loạt cơ quan báo chí đều cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp hệt như nhau, thậm chí việc rút tít bản tin cũng na ná nhau. Người đọc bình thường cũng dễ nhận ra đâu là cái sai do “tai nạn nghề nghiệp” của một nhà báo riêng lẻ, đâu là sự dối trá hùa theo đám đông có chủ đích. Tuy nhiên, cơ quan quản lý của Nhà nước không kết luận dựa vào trực giác, dựa vào sự suy diễn cảm tính, phải điều tra mới ra chứng cứ để kết luận. Cần làm rõ ‘dụng ý’ việc công bố của Vinastas Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên hành lang Quốc hội chiều 21-10, đại biểu Quốc hội Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nói: “Bản thân tôi rất hoang mang khi nghe công bố kết quả nước mắm có asen”. Bà Thuận nhận định nước mắm gia đình nào cũng sử dụng nên việc công bố hàm lượng asen trong nước mắm một cách không chính xác sẽ gây hoang mang cho người dân. Do đó đề nghị cần làm rõ nguyên nhân và “dụng ý” đằng sau việc công bố này. Trong khi đó đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định: “Nếu giờ không ăn nước mắm thì ăn gì? Tôi khẳng định tôi chả sợ gì cả, tôi vẫn ăn nước mắm truyền thống như thường. Thạch tín ư? Không đâu!”. Bà Lan cho hay bà vẫn ủng hộ nước mắm truyền thống hơn là nước mắm công nghiệp. C.LUẬN - Đ.MINH |