Có nên áp dụng chế định 'thỏa thuận nhận tội'?

(PLO)- Chánh án TAND Tối cao đặt ra vấn đề về chế định thỏa thuận nhận tội để các nhà làm luật nghiên cứu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có buổi làm việc và gặp gỡ với giảng viên, sinh viên luật Trường ĐH Quốc gia TP.HCM. Tại đây, vị Chánh án tối cao đã đặt ra bốn vấn đề để các nhà làm luật nghiên cứu, trong đó có chế định “thỏa thuận nhận tội”.

Vậy chế định thỏa thuận nhận tội là gì? Việt Nam có nên áp dụng chế định này hay không? Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia xung quanh vấn đề này.

Ở một số nước, công tố viên (gần tương tự như kiểm sát viên ở Việt Nam) và bị can có thể ký thỏa thuận nhận tội. Trong ảnh: Kiểm sát viên đại diện VKS trong một phiên tòa ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ở một số nước, công tố viên (gần tương tự như kiểm sát viên ở Việt Nam) và bị can có thể ký thỏa thuận nhận tội. Trong ảnh: Kiểm sát viên đại diện VKS trong một phiên tòa ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Luật sư NGUYỄN TIẾN HIỂU, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Chưa cần thiết để quy định

Chế định thỏa thuận nhận tội có thể hiểu là một quá trình mà trong đó bị can và công tố viên (gần tương tự như kiểm sát viên trong chế định viện kiểm sát) trong một vụ án hình sự cùng nhau giải quyết vụ án một cách thỏa đáng dưới sự chứng nhận của tòa án, thường liên quan đến việc bị can thừa nhận một tội danh nhẹ hơn. Khi đó, người phạm tội sẽ phải chịu một mức án nhẹ hơn và không phải thông qua quy trình xét xử của tòa án.

Luật sư Nguyễn Tiến Hiểu, Đoàn Luật sư TP.HCM

Luật sư Nguyễn Tiến Hiểu, Đoàn Luật sư TP.HCM

Trên thế giới, chế định thỏa thuận nhận tội đang được áp dụng ở một số quốc gia như Mỹ, Anh, Canada… Một số quốc gia khác như Nhật Bản cũng đang áp dụng ở một mức độ hạn chế nhất định. Việc áp dụng chế định này sẽ giúp vụ án được giải quyết nhanh chóng, tránh kéo dài và giảm các chi phí tố tụng…

Còn ở Việt Nam, hiện tại pháp luật chưa có quy định cụ thể về chế định này. Tuy nhiên, khi áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hình sự thì cũng đã thể hiện những nội dung tương tự.

Chẳng hạn, người phạm tội được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 BLHS như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại do mình gây ra hoặc người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án…

Điều 54 BLHS cũng quy định về việc tòa án được quyền quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ.

Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng đã quy định về thủ tục tố tụng rút gọn. Quy định này nhằm tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, đẩy nhanh việc điều tra, truy tố, xét xử đối với những vụ án ít nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, hành vi phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, chứng cứ rõ ràng. Mục đích của việc áp dụng thủ tục rút gọn là giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật, tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Với quan điểm cá nhân và kinh nghiệm tham gia trong các vụ án, tôi cho rằng chưa cần thiết để quy định về chế định thỏa thuận nhận tội trong tố tụng hình sự.

Bởi lẽ, mục đích chính của chế định này là giải quyết vụ án nhanh chóng, rút gọn và giảm chi phí tố tụng. Tuy nhiên, phần lớn án kéo dài ở nước ta không hẳn là do các thủ tục. Trong khi đó, nếu áp dụng chế định thỏa thuận nhận tội mà không được giám sát chặt chẽ sẽ là điều kiện để cán bộ thoái hóa biến chất và tội phạm mặc cả với nhau, làm cho tình hình tội phạm trở nên phức tạp hơn.

ThS VÕ VĂN TÀI, Phó Trưởng Khoa kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM:

Chưa phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay

ThS Võ Văn Tài, Phó Trưởng Khoa kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM.
ThS Võ Văn Tài, Phó Trưởng Khoa kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM.

Thỏa thuận nhận tội có điểm tích cực là làm cho quá trình giải quyết vụ án đơn giản hơn nhiều, không phải tốn nhiều công sức, chi phí của các cơ quan điều tra. Đồng thời mang đến một biện pháp nhân đạo, người chịu thỏa thuận nhận tội ít nhiều cũng đã ăn năn hối cải, thừa nhận tội và thể hiện sự chuyển hóa tâm lý của người phạm tội.

Tại Việt Nam, chế định thỏa thuận nhận tội được đặt ra để nghiên cứu, tiến gần với tố tụng hình sự của thế giới nhưng với điều kiện của nước ta hiện nay thì chưa thể đưa vào Bộ luật Tố tụng hình sự được.

Khi nào trình độ chung của các cán bộ cơ quan tư pháp được nâng tầm, sự công tâm trong bộ máy tư pháp được đảm bảo, sự tôn nghiêm của pháp luật được các chủ thể có liên quan đặt lên hàng đầu thì chúng ta mới nên đề cập về chế định này.

Cẩn trọng để tránh việc “đi tù thay”

Việc “trả giá hình phạt” ở một số nước là có lợi cho bị can, tiết kiệm thời gian cho các cơ quan chức năng phải đi thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm… Điều này kêu gọi sự trung thực, khoan dung và làm bớt đi khó khăn trong công tác điều tra và kêu gọi tinh thần tự giác của xã hội. Đây là một xu hướng.

Tuy nhiên, cũng cần hết sức lưu ý khi bị can nhận tội cần xác minh lời khai này phù hợp với hành vi phạm tội, trùng khớp với chứng cứ mà cơ quan chức năng có được để tránh tình trạng “đi tù thay”.

Thẩm phán NGUYỄN THÀNH VINH,

Chánh án TAND TP Thủ Đức, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm