Có nên lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường?

(PLO)- Ngày mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự kiến ngày mai (11-5), tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; đồng thời xem xét việc bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người trên tổng số 50 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ảnh minh họa.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người trên tổng số 50 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ảnh minh họa.

Tờ trình của Ban Công tác đại biểu do Trưởng ban Nguyễn Thị Thanh ký nhận định bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết 85 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, Nghị quyết số 85 chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không quy định rõ về thời hạn thực hiện. Điều này dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước.

Cạnh đó, phiếu lấy phiếu tín nhiệm và phiếu bỏ phiếu tín nhiệm sử dụng cùng một tên là Phiếu tín nhiệm nên dễ dẫn đến nhầm lẫn. Chưa kể hướng dẫn việc triển khai hình thức công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người được lấy phiếu tín nhiệm chưa kịp thời nên khi triển khai còn lúng túng. Biểu mẫu báo cáo kết quả công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm còn chung chung, chưa cụ thể…

Từ đánh giá trên, Ban Công tác đại biểu cho rằng cần thiết phải ban hành một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13.

Hai vấn đề xin ý kiến

Theo tờ trình, dự thảo Nghị quyết giữ nguyên kết cấu 18 điều như Nghị quyết số 85, trong đó sửa đổi, bổ sung 13/18 điều và bổ sung ba biểu mẫu mới. Ban Công tác đại biểu xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hai vấn đề.

Thứ nhất là về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường ở TP. Hà Nội.

Nghị quyết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội quy định “Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm trước HĐND quận, thị xã” nhưng không quy định HĐND quận, thị xã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường.

Trong khi đó, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM và TP. Đà Nẵng quy định “HĐND Thành phố lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận”.

“Để tương đồng với quy định này, Ban Công tác đại biểu đề nghị tại TP. Hà Nội, HĐND quận, thị xã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường”- tờ trình nêu.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh, có ý kiến cho rằng nên quy định HĐND TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định vấn đề này vì nếu lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường ở TP. Thủ Đức nhưng không lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường thuộc các quận ở TP.HCM là “không đảm bảo tính đồng bộ”.

Mặt khác, Nghị quyết số 131/2020/QH14 cũng không quy định Chủ tịch UBND phường ở TP. Thủ Đức chịu trách nhiệm trước HĐND cấp trên.

Vấn đề thứ hai Ban Công tác đại biểu xin ý kiến là quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Cụ thể, Nghị quyết số 85 chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không quy định rõ về thời hạn và thời điểm thực hiện. Ban Công tác đại biểu đã bổ sung quy định về thời hạn và thời điểm tại Điều 10, Điều 15 và khoản 4 Điều 18 của dự thảo Nghị quyết.

Theo đó, đối với việc xin từ chức là không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Đối với việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, thị xã, phường ở nơi không có HĐND thì kể từ thời điểm có đề nghị của HĐND quận, thị xã, Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, quyết định trong thời gian tối đa không quá 30 ngày.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người trên tổng số 50 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả, không có trường hợp nào có trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp.

HĐND các cấp đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 99.836 người, hầu hết đều đạt trên 50% số phiếu “tín nhiệm cao”.

Tỷ lệ người có số phiếu “tín nhiệm thấp” ở các cấp: Cấp tỉnh có 2/1.750 người (chiếm tỉ lệ 0,11%); cấp huyện có 25/13.852 người (chiếm tỉ lệ 0,18%); cấp xã có 186/84.234 người (chiếm tỉ lệ 0,22%).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm