Phản đối chả ai nghe
Từ năm 2008, người dân khu phố 4, 5 phường Đông Hưng Thuận, quận 12 phải hứng chịu ô nhiễm rất nặng nề, vượt xa thời gian trước đó. “Trước đây các cơ sở sản xuất chạy máy bằng dầu, có khói bụi nhưng chúng tôi còn chịu được. Còn từ năm 2008 đến nay, do giá dầu tăng nên họ chuyển qua đốt lò bằng vỏ hạt điều, khói đen đặc tỏa ra khiến hàng ngàn người ngộp thở. Nước thải thì đổ trực tiếp ra cống, hôi thối không chịu nổi. Chúng tôi đã nhiều lần tới cổng các công ty phản đối nhưng họ không thèm quan tâm” - ông Trần Văn Nam, khu phố 4, cho hay.
Theo ghi nhận, từ tờ mờ sáng, khói bụi từ cụm nhà máy sản xuất ở khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận đã tỏa ra mù mịt. Hầu hết nhà dân gần nhà máy phải đóng cửa, kéo rèm để ngăn những làn bụi đen đang tỏa ra không ngớt.
“Bàn vừa lau liền đen nhẻm vì bụi. Ở đây người nào cũng viêm mũi, ho hen cả ngày” - người dân khu phố 4, 5 phường Đông Hưng Thuận, quận 12 phản ánh với Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: T.THANH
“Các nhà máy xả khói quanh năm, dịp cận tết lại càng khủng khiếp hơn vì máy móc hoạt động hết công suất. Họ còn bảo phải có kết luận của bác sĩ rằng bệnh viêm phổi là do nhà máy gây ra thì mới chịu bồi thường. Đợi tới lúc đó chắc tụi tôi chết hết rồi!” - anh Văn Trường, khu phố 4, không kìm được cơn giận. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một số quận, huyện vùng ven như Bình Tân, Tân Phú.
Di dời chẳng được, xử phạt không ăn thua
Theo UBND quận 12, tại khu phố 4, 5 của phường Đông Hưng Thuận có tới 22 cơ sở, nhà máy sản xuất bao bì, nhuộm vải. Các cơ sở này được di dời từ nội thành ra trong thời gian 1997-2001, từng bị xử phạt nhiều lần do gây ô nhiễm nhưng vẫn tái phạm. Hiện nay khi dân cư đã đông đúc nên việc tập trung nhiều nhà máy sản xuất ở khu vực này không còn phù hợp.
“Quận đã liên hệ với KCN Hiệp Phước và KCN Lê Minh Xuân để di dời các cơ sở gây ô nhiễm. Nhưng việc di dời gặp khó do hai KCN này đã hết chỗ, đồng thời các cơ sở cũng không đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn vào KCN” - ông Nguyễn Toàn Thắng, Chủ tịch UBND quận 12, thông tin.
Tại quận Bình Tân, Trung tá Đoàn Quốc Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, cho hay: Trước đây, tại khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa A có nhiều cơ sở dệt nhuộm gây ô nhiễm. Phòng TN&MT quận đã kiểm tra, xử phạt nhiều lần và thậm chí tham mưu UBND quận rút giấy phép nhưng những cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép.
“Sau đó UBND quận giao công an quận kiểm tra và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính lần đầu. Sau khi tái kiểm, chúng tôi phát hiện năm cơ sở vẫn hoạt động không phép nên đã củng cố hồ sơ để xử lý hình sự. Đưa ra xét xử, các chủ cơ sở này được hưởng án treo vì hành vi vi phạm chưa đến mức phạt tù” - Trung tá Dũng nói.
Bất chấp những động thái xử lý trên, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hằng ngày vẫn ngang nhiên xả khói, nước thải ô nhiễm ra môi trường. Hàng chục ngàn người dân TP đang trông chờ cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp quyết liệt hơn nữa để trị tận gốc vấn nạn này.
TRUNG THANH - MINH QUÝ
Khó rút giấy phép cơ sở nhỏ Phòng Cảnh sát về phòng, chống tội phạm môi trường (PC49) Công an TP.HCM cho biết Nghị định 179/2013 quy định nếu phát hiện cơ sở vi phạm lần đầu thì lập biên bản xử phạt. Lần hai mức phạt tăng nặng và tạm đình chỉ 3-6 tháng. Tuy nhiên, muốn rút giấy phép kinh doanh thì đơn vị vi phạm phải xả nước thải vượt 20.000 m3/giờ. Do các cơ sở nhỏ không thể đạt mức này nên việc rút giấy phép là rất khó khăn. |