Có sự hành xử thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu

(PLO)- Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết Bộ Công Thương đối xử thiếu khách quan, công bằng dẫn đến một số thương nhân đầu mối phải thực hiện nhiệm vụ của một số thương nhân đầu mối còn lại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-1, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết Bộ Công Thương là cơ quan điều phối khối lượng xăng dầu nhập khẩu và tổng nguồn xăng dầu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, Bộ Công Thương không hướng dẫn, quản lý các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu xăng dầu theo quý, dẫn đến không có kế hoạch, tiến độ chung để quản lý.

bộ công thương quản lý xăng dầu
Tổng kho xăng dầu của Công ty TNHH TM và DV Tổng hợp Hòa Khánh. Ảnh: Hoakhanh.vn

Các thương nhân đầu mối nhập khấu xăng dầu theo kế hoạch kinh doanh riêng của từng đơn vị nên khi nhập khẩu xăng dầu về bán bị lỗ hoặc khó khăn, nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã dừng không nhập khẩu xăng dầu.

Cụ thể, Công ty TNHH Petro Bình Minh (từ 2018-2021) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tổng hợp Hòa Khánh (từ 2019-2021) đều không thực hiện nhập khẩu. Đến cuối năm, các đơn vị chưa nhập khẩu xăng dầu đủ hạn mức tối thiểu báo cáo Bộ Công Thương xin điều chỉnh.

Không chỉ vậy, mặc dù các văn bản của thương nhân đầu mối không nêu rõ lý do hoặc lý do không phù hợp, thời gian gửi báo cáo chậm hơn theo quy định nhưng đều được Bộ Công Thương chấp thuận.

Đáng chú ý, kết luận thanh tra cũng nêu rõ, các thương nhân đầu mối có vai trò như nhau nhưng do cách quản lý, điều hành thiếu khách quan, công bằng của Bộ Công Thương dẫn đến một số thương nhân đầu mối phải thực hiện nhiệm vụ của một số thương nhân đầu mối còn lại, do đó nhiều thương nhân không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ khi cần thiết

Chẳng hạn, năm 2022, Bộ Công Thương chỉ giao cho 10/32 thương nhân đầu mối nhập khẩu trong quý 1-2022 với tổng sản lượng là 2.400.000 m3 xăng dầu nhưng có 9 thương nhân đầu mối nhập thiếu 589.035 m3 xăng; 6 đầu mối nhập thiếu 628.637 tấn dầu.

“Qua đó cho thấy trong trường hợp nguồn cung xăng dầu đòi hỏi cấp thiết, việc điều hành xuất, nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương không hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu” - kết luận thanh tra chỉ rõ.

Từ 2017 đến 2021, có 27 thương nhân đầu mối với 48 lượt đơn vị nhập khẩu xăng dầu không đạt hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương đã kiểm tra và xử lý 06 đơn vị, còn 26 thương nhân đầu mối với 42 lượt vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý.

Ngoài ra, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, chấn chỉnh không kịp thời, dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến phức tạp, nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc đã được quy định trong Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, Công ty CP Thương mại và Dầu khí Đồng Tháp ủy quyền việc mua bán xăng dầu cho các công ty không phải là công ty con và không được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.

Các công ty con của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng bán xăng dầu cho công ty mẹ, mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối, mua xăng dầu của các thương nhân phân phối khác…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm