Có thứ còn đáng lo hơn cả trái phiếu '3 không'

(PLO)-  Trái phiếu "3 không" được hiểu là không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán của các tổ chức tài chính có uy tín và không tài sản bảo đảm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại toạ đàm "Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp" do báo Người Lao Động tổ chức sáng nay, Thạc sỹ Nguyễn Anh Vũ, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng có nhiều điều còn đáng lo ngại hơn khái niệm "3 không".

Đầu tư kiểu ném đá dò đường

Trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này, ông Vũ cho biết: Hiện nhiều nhà đầu tư không phân biệt được bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh phát hành. Bảo lãnh thanh toán hiểu nôm na là trong trường hợp tổ chức phát hành trái phiếu không trả nợ được thì sẽ có một tổ chức uy tín trả nợ thay.

Ngoài ra, nếu ngân hàng bảo lãnh cho đợt trái phiếu của doanh nghiệp phát hành thì phía ngân hàng cũng cần phải phân tích, thẩm định, đánh giá rất kỹ lưỡng trước khi chấp thuận bảo lãnh.

Bởi đối với quyết định bảo lãnh cũng có mức độ rủi ro tương đương với quyết định cho vay của ngân hàng. Nhà đầu tư khi mua trái phiếu này được ngân hàng bảo lãnh thì cũng yên tâm hơn bởi vì chúng ta đã có ngân hàng là bên thứ ba đứng ra bảo lãnh.

Đối với bảo đảm bằng tài sản, hiểu nôm na là nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì bên bảo lãnh sẽ bán tài sản đảm bảo đó để thanh toán, tạo an toàn cho người mua trái phiếu.

Tuy nhiên trong nguyên tắc cho vay nói chung và đầu tư trái phiếu nói riêng thì tài sản bảo đảm không phải yếu tố duy nhất hay quan trọng hàng đầu mà nhà đầu tư cần quan tâm khi xem xét mua trái phiếu. Điều quan trọng của nhà đầu tư khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp là đánh giá được tình hình tài chính, đánh giá được dòng tiền, tính khả thi của phương án kinh doanh cũng như mục đích sử dụng vốn của của doanh nghiệp.

“Riêng tôi lo ngại ngoài "3 không" như đã nói ở trên thì còn có cái "không" thứ 4, thứ 5 khác. Như không có năng lực tài chính tốt của tổ chức phát hành trái phiếu, không có dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, thậm chí sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu không đúng mục đích… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn đối với việc không có tài sản bảo đảm”, ông Vũ nhấn mạnh.

Năm 2021, lượng phát trái phiếu do doanh nghiệp phát hành bằng cả giai đoạn 2011-2018, trong đó 95% là phát hành riêng lẻ và chỉ có 5% phát hành ra công chúng. Câu hỏi đặt ra là tại sao khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ lại cao hơn nhiều lần so với phát hành ra công chúng. Điều này rất giải thích bởi theo qui định hiện hành thì điều kiện để phát hành riêng lẻ luôn có yêu cầu thấp hơn so với phát hành ra công chúng.

Do đó các doanh nghiệp chủ yếu lựa chọn phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ. Chính vì vậy, nhà đầu tư phải có trách nhiệm cao trong phân tích và đánh giá rủi ro của bên phát hành.

Nhà đầu tư gửi số phận cho môi giới

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á cho biết thêm: Trong suốt thời gian vừa qua, số liệu thống kê cho thấy đa số các đợt phát hành trái phiếu đều là phát hành riêng lẻ và tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp bất động sản, đồng thời khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất là ở nhóm ngân hàng, công ty chứng khoán. Hiện nay có nhiều ngân hàng mua trái phiếu sau đó phân phối thông qua kênh bán lẻ của toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp khoảng 12%/năm nhưng cộng thêm 3-5% chi phí cho kênh phân phối và bảo lãnh phát hành, nâng toàn bộ chi phí vốn trái phiếu lên khoảng 15%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi hiện nay chỉ quanh ngưỡng 6%/năm, điều này tạo sức hấp dẫn cho các ngân hàng, công ty chứng khoán khi trở thành kênh phân phối trái phiếu doanh nghiệp.

Lý giải vì sao các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản lựa chọn phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ thay vì phát hành trái phiếu đại chúng, ông Tuấn cho biết: Hiện nay, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu đại chúng thì phải xin phép UBCKNN, có tài sản đảm bảo và phải được cơ quan nhà nước thẩm tra, kiểm tra phương án, nói chung là thủ tục khó khăn hơn nhiều.

"Ở chiều ngược lại khi doanh nghiệp chọn hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ thì không cần xin phép ai hết, chỉ cần lập phương án kinh doanh, rồi kêu gọi đầu tư và nếu thu hút được vốn thì tiến hành phát hành trái phiếu. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều chọn phát hành riêng lẻ và chủ yếu dựa vào kênh phân phối của ngân hàng", ông Tuấn nói.

Ngay cả quy định chỉ có các nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phải có vốn khoảng 2 tỉ đồng trở lên, thế nhưng trong thực tế có trường hợp nhà đầu tư cá nhân chưa đủ điều kiện này thì các công ty chứng khoán hoặc nhà phân phối cũng có thể “phù phép” để giúp họ trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Nói "chuyên nghiệp" nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân thậm chí chưa chơi chứng khoán bao giờ, không hiểu biết gì về doanh nghiệp, không chưa bao giờ đọc báo cáo tài chính, chưa bao giờ nhìn phương án phát hành trái phiếu, mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp ra sao. Mọi thông tin họ biết đều thông qua môi giới.

"Đáng chú ý còn có cả những tập đoàn lớn không đứng ra phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà thông qua công ty con - không có thương hiệu, không có sản phẩm, không có dòng tiền, tình hình tài chính kém nhưng vẫn phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Do đó, cần quy định để kiểm soát được điều kiện phát hành trái phiếu, nếu không các tập đoàn sẽ mượn kẽ hở của pháp luật – tức là không đứng ra phát hành mà chỉ sử dụng công ty con để huy động vốn. Chưa kể, câu chuyện hậu kiểm là doanh nghiệp phát hành có sử dụng nguồn tiền đúng mục đích không lại là chuyện khác", ông Tuấn nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm