Có tiếp tục trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi nhưng khi xét xử đã thành niên?

(PLO)- Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng việc tiếp tục trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi nhưng khi xét xử đã thành niên tuy hay nhưng rất khó để được chấp nhận.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-10, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo Rà soát, đánh giá tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp của văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội trong hệ thống tư pháp và hệ thống pháp luật có liên quan – Thực tiễn thực hiện và một số kiến nghị, đề xuất tại TP.HCM.

Tại hội thảo, ông Huỳnh Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước TP.HCM) cho biết quá trình triển khai Luật TGPL còn gặp phải một số vướng mắc.

Ông Huỳnh Tấn Đạt (Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP. HCM) tại hội thảo. Ảnh: YC

Ông Huỳnh Tấn Đạt (Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP. HCM) tại hội thảo. Ảnh: YC

Trong đó, nhiều trường hợp người thuộc diện được TGPL là trẻ em, người bị buộc tội từ 16 đến dưới 18 tuổi (nhưng không phải đối tượng bảo trợ xã hội trợ cấp hàng tháng) được trung tâm cử trợ giúp viên hoặc luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra nhưng khi xét xử không được cơ quan tiến hành tố tụng thông báo tham gia bào chữa, bảo vệ. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của bị can, bị cáo, người bị hại.

Nhiều thẩm phán của tòa án cấp sơ thẩm khi xét xử không tống đạt thông báo cho trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư thực hiện TGPL biết tham gia phiên tòa để bảo vệ, bào chữa cho bị cáo, bị hại.

Theo ông Đạt, khoản 3 Điều 37 Luật TGPL quy định trường hợp vụ việc TGPL đang được thực hiện mà người được TGPL không còn đáp ứng quy định tại Điều 7 của luật này thì vụ việc được tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc.

Đồng thời, khoản 1 Điều 13 Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định trong tố tụng hình sự, người thực hiện TGPL tham gia tố tụng từ giai đoạn nào thì đăng ký bào chữa ở giai đoạn đó và văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng...

Cạnh đó, ngày 24-9-2009, TAND TP.HCM đã ban hành Công văn số 3519/TATP-VP về việc thực hiện Luật TGPL và Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC.

Nội dung nêu đối với những trường hợp Trung tâm TGPL Nhà nước TP.HCM đã cử luật sư bào chữa cho người chưa thành niên phạm tội từ giai đoạn điều tra nhưng đến giai đoạn xét xử người phạm tội đã thành niên, thì giấy chứng nhận người bào chữa do cơ quan điều tra cấp vẫn tiếp tục có giá trị.

Do đó, tòa án phải thông báo cho luật sư biết lịch xét xử và giao quyết định xét xử cho luật sư để thực hiện việc bào chữa, trừ trường hợp bị cáo từ chối việc bào chữa.

Từ các cơ sở pháp lý nêu trên, ông Đạt đề nghị cần có văn bản chỉ đạo thống nhất: “Phải thông báo cho người thực hiện TGPL đã tham gia TGPL cho người bị buộc tội khi chưa đủ 18 tuổi tại giai đoạn điều tra, nhưng đến giai đoạn xét xử đã đủ 18 tuổi biết tham phiên tòa để bào chữa cho đối tượng hưởng bảo trợ xã hội. Thông báo bào chữa, bảo vệ đã được cấp có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng cho đến khi kết thúc vụ việc.”

Đại diện cho Đoàn Luật sư TP.HCM, Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng người dân rất hạn chế thông tin về TGPL nên cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về TGPL.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch tại hội thảo. Ảnh: YC
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch tại hội thảo. Ảnh: YC

Cạnh đó, đối với kiến nghị về việc người phạm tội chưa thành niên nhưng khi xét xử đã thành niên tiếp tục được TGPL, LS Trạch cho rằng thực tiễn tòa án sẽ không làm điều này.

Bởi Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định người đủ 18 tuổi sẽ không cần TGPL nữa. Khi dưới 18 tuổi, họ nhận thức về mặt pháp luật, về tâm sinh lý của họ cũng còn hạn chế nhưng khi đủ 18 tuổi, nhận thức sẽ thay đổi. Vì vậy, theo LS Trạch, kiến nghị này tuy hay nhưng rất khó để được chấp nhận vì nó đang chênh với BLTTHS hiện nay.

Quanh cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Quanh cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Người nhận con nuôi không được tư vấn, tập huấn

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hà (Phó Trưởng phòng, Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp) trình bày tham luận đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến phát triển công tác xã hội trong Luật Nuôi con nuôi.

Theo ông Hà, thực tiễn cho thấy người nhận con nuôi trong nước không được tư vấn, tập huấn và đào tạo nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết trước khi nhận con nuôi. Sau khi nhận con nuôi, cha mẹ nuôi không được hỗ trợ trong việc lập báo cáo đánh giá tình hình phát triển của con nuôi.

Khi cha mẹ nuôi gặp khó khăn trong quá trình nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi, họ không có kỹ năng để xây dựng gia đình mới phù hợp, dễ dẫn đến thất bại trong việc nuôi con nuôi.

Trên thực tế đã có một số trường hợp cha mẹ nuôi trả lại con nuôi cho cha mẹ đẻ hoặc cơ sở nuôi dưỡng; bỏ mặc, thậm chí có hành vi xâm hại con nuôi (hành hạ, ngược đãi con nuôi). Thực trạng không đáp ứng mục đích của việc nuôi con nuôi quy định tại Điều 2 của Luật Nuôi con nuôi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm