Năm 2007, UBND quận 7 (TP.HCM) ban hành Quyết định số 174 bồi thường giải tỏa gần 76 m2 đất cho bà Trần Thị Hồng Yến với số tiền gần 19 triệu đồng. Cho rằng đất của mình là đất thổ cư nhưng UBND lại bồi thường theo giá đất nông nghiệp là không hợp lý, bà Yến kiện ra TAND quận 7 yêu cầu hủy quyết định trên.
Bồi thường sai quy định
Xử sơ thẩm, TAND quận 7 đã bác yêu cầu của bà Yến. Bà Yến kháng cáo. Tháng 1-2009, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm, xác định đất của bà Yến là đất nông nghiệp xen kẽ khu dân cư. Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 197/2004, trường hợp này ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp cùng mục đích sử dụng còn được hỗ trợ bằng tiền. Giá tính hỗ trợ từ 20% đến 50% giá đất ở liền kề, mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định.
Từ đó tòa phúc thẩm cho rằng UBND quận 7 ban hành quyết định bồi thường mà không có phần hỗ trợ bằng tiền cho bà Yến là sai quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 197 nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Yến, tuyên hủy quyết định của UBND quận 7.
Sáu năm ròng rã bà Yến phải đeo đuổi hai vụ kiện nhưng cuối cùng vẫn chẳng được gì. Ảnh: P.THƯƠNG
Ra quyết định mới với nội dung cũ
Theo bà Yến, sau đó bà đã rất nhiều lần yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự quận 7 thi hành án nhưng mãi đến hơn hai năm sau, bà mới nhận được quyết định mới của UBND quận 7 về việc bồi thường. “Đọc quyết định mới hàng chục lần, tim tôi như quặn lại khi thấy số tiền mà mình được bồi thường cũng chỉ vỏn vẹn gần 19 triệu đồng và nội dung trong quyết định mới này không khác gì so với quyết định cũ đã bị TAND TP.HCM hủy trước đó. Có khác chỉ là số công văn và ngày ban hành công văn” - bà Yến nói.
bà Yến khiếu nại thì UBND quận 7 ra thông báo rằng đã thực hiện đúng nội dung của bản án của TAND TP.HCM, cụ thể là hủy quyết định trước đó. Không biết làm sao, bà Yến lại phải lặn lội đi kiện quyết định “bình mới rượu cũ” này của UBND quận 7.
Xử sơ thẩm lần kiện này, TAND quận 7 đã chấp nhận yêu cầu của bà. Tuy nhiên, tháng 9-2013, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của bà. Theo TAND TP, tại thời điểm UBND quận 7 ban hành quyết định bồi thường mới cho bà Yến thì Nghị định 69/2009 (có hiệu lực từ ngày 1-10-2009) đã bãi bỏ Điều 10 Nghị định 197. Do vậy, khi xem xét lại chính sách bồi thường đối với bà Yến phải căn cứ vào Nghị định 69 (tức không có phần hỗ trợ bằng tiền).
Hai cách hiểu
Tại phiên tòa phúc thẩm hồi tháng 9-2013 nói trên của TAND TP, đại diện VKS phân tích căn bản hai quyết định của UBND quận 7 bị bà Yến khởi kiện đều có nội dung giống nhau là bồi thường cho bà Yến theo giá đất nông nghiệp với tổng số tiền gần 19 triệu đồng, không thực hiện việc hỗ trợ.
Về mặt tố tụng, sự việc liên quan đến vụ án đã được giải quyết bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật, thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 109 Luật Tố tụng hành chính nhưng cấp sơ thẩm vẫn thụ lý, giải quyết là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Từ đó đại diện VKS đề nghị tòa hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
Về mặt nội dung, đại diện VKS cho rằng dù vào thời điểm UBND quận 7 ban hành quyết định mới, Điều 10 Nghị định 197 đã được Nghị định 69/2009 bãi bỏ nhưng chính sách hỗ trợ đối với đất nông nghiệp xen kẽ khu dân cư vẫn được quy định trong khoản 2 Điều 21 Nghị định 69/2009. Do đó UBND quận 7 cần phải linh động áp dụng để có lợi cho người dân.
Tuy nhiên, đề nghị của đại diện VKS đã không được tòa chấp nhận. Trao đổi với PV, Thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn (Phó Chánh án TAND TP.HCM) cho biết khi UBND ban hành quyết định hành chính mới giải quyết lại vụ việc, dù nội dung giống hay khác quyết định cũ thì quyết định mới vẫn là đối tượng khởi kiện theo Luật Tố tụng hành chính. Lúc này, nếu đương sự cho rằng quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm thì có quyền khởi kiện quyết định mới này.
Cũng theo ông Tuấn, về mặt nội dung, khi giải quyết vụ án, tòa chỉ xem xét tính hợp pháp của đối tượng khởi kiện là quyết định mới. Quyết định mới này của UBND được coi là độc lập với quyết định cũ. Khi đó tòa sẽ xem xét việc UBND ban hành quyết định mới này có phù hợp với các quy định pháp luật liên quan tại thời điểm ban hành hay không. Nếu không phù hợp thì chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện, nếu phù hợp thì bác bỏ.
Như vậy đã có hai cách hiểu khác nhau giữa VKS và tòa. Trước vụ việc này, Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) nhận xét: “Hai giai đoạn ban hành quyết định hành chính xuất hiện hai văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, dẫn đến hai quan điểm xét xử khác nhau. Đồng thời, luật cũng chưa quy định trong trường hợp có sự chuyển đổi pháp luật nối tiếp ở hai giai đoạn cho một sự kiện thì nên xử lý như thế nào. Trong trường hợp này, nếu không đồng ý với bản án phúc thẩm thứ hai, bà Yến có quyền kiến nghị chánh án TAND Tối cao hoặc viện trưởng VKSND Tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm toàn bộ bản án”.
PHAN THƯƠNG
Nếu ủy ban làm đúng… Cầm trên tay hai bản án hành chính phúc thẩm có phán quyết trái ngược nhau, bà Yến lắc đầu nói: “Ròng rã sáu năm trời đeo đuổi hai vụ kiện, cuối cùng tôi chẳng được gì dù ban đầu rõ ràng UBND quận 7 bồi thường sai”. nhìn lại diễn tiến vụ việc có thể thấy rõ ràng nếu ngay từ đầu UBND quận 7 bồi thường đúng quy định thì bà đã có khoản tiền hỗ trợ. Chờ cho đến khi UBND quận 7 hủy quyết định cũ, ra quyết định mới thì pháp luật về đất đai đã có sự thay đổi theo hướng bất lợi cho trường hợp của bà. Điều đáng nói là bản án phúc thẩm vụ kiện đầu tiên của bà Yến có từ tháng 1-2009 nhưng mãi đến hơn hai năm sau (ngày 18-5-2011), UBND quận 7 mới ban hành quyết định mới. Nếu như ngay sau khi tòa phúc thẩm tuyên án, UBND có thiện chí sửa sai, khắc phục bằng cách thu hồi, hủy bỏ quyết định cũ, ra quyết định mới thay thế thì bà Yến đã không bị thiệt thòi bởi gần 10 tháng sau phiên xử phúc thẩm này, Nghị định 69/2009 mới có hiệu lực. Đã báo cáo xem xét giám đốc thẩm Việc UBND quận 7 không thực thi đúng tinh thần bản án có hiệu lực của tòa trong vụ kiện đầu tiên của bà Yến thể hiện việc chấp hành pháp luật của UBND quận 7 chưa được nghiêm chỉnh, vi phạm các quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2010 về thủ tục thi hành bản án, quyết định của tòa về vụ án hành chính. Việc làm này của UBND quận 7 cũng tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm. Tiền lệ này nếu không được chấn chỉnh trong tương lai sẽ dẫn đến việc giải quyết, thi hành một vụ việc kéo dài, không có điểm dừng, gây thiệt hại về thời gian, công sức, tiền của đối với cơ quan tố tụng và đương sự. Sau khi nhận được bản án phúc thẩm trong vụ kiện thứ hai của bà Yến, tháng 3-2014, VKSND TP.HCM đã có báo cáo đề nghị VKSND Tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án. Kiểm sát viên VÕ QUANG HUY, Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh tế, lao động… |