Chính sách đúng đắn này đã được TP.HCM áp dụng thí điểm từ lâu và nay UBND TP quyết định triển khai rộng rãi. Ấy thế mà đến giờ nhiều hộ dân vẫn đang hoang mang về thời điểm và cách thức phân loại!
Với Quyết định 44/2018 được xác định là có hiệu lực từ ngày 24-11, UBND TP yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Rất nhanh, nhiều người nghĩ ngay là từ ngày 24-11 tất cả hộ dân phải để rác hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ quả, xác động vật) và các loại rác vô cơ (trong đó có giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh) bằng các túi riêng đúng theo những khuyến cáo của Quyết định 44. Nếu không làm y vậy ba lần/tuần thì có thể bị phạt… Để rồi khi thấy chính quyền địa phương lẫn lực lượng thu gom rác đều ơ hờ (không lưu ý gì về bao, thùng chứa rác hay cấp nhãn dán…), nhiều người đã thắc mắc, nghi ngờ.
Thì ra một số câu chữ vắn tắt của Quyết định 44 đã làm nhiều người bị nhầm. Việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn ở TP.HCM không chỉ được quy định trong văn bản mới là Quyết định 44 mà còn trong nhiều văn bản khác như là Quyết định 1832/2017... Theo đó, không phải hết thảy các hộ đều có nghĩa vụ phân loại theo các cách thức quy định ngay từ ngày 24-11.
Chi tiết hơn, từ năm 2017 đến 2020, việc phân loại rác tại nguồn được áp dụng ở những phường, xã được chỉ định trong các kế hoạch cụ thể của các quận, huyện. Phải sau năm 2020, khi tất cả đơn vị thu gom rác được chuyên nghiệp hóa về phương tiện thu gom, vận chuyển rác từ nguồn… thì việc phân loại rác tại nguồn mới được thực hiện trên toàn TP. Điều này đồng nghĩa với việc người dân ở nhiều nơi có thể chờ giờ G để được chính quyền tạo các điều kiện cần thiết mà phân loại rác bài bản, tránh những thắc thỏm, lo âu không đáng có về sự từ chối, chế tài.
Điều cần phải bàn thêm là những thiếu sót trong việc tổ chức thực thi quy định của chính quyền các nơi. Dường như khúc dạo đầu của Quyết định 44 không mấy ấn tượng để mong có kết quả tốt. Lần này việc tuyên truyền, vận động của nhiều UBND phường, xã… vẫn cứ chưa đậm đà, một hạn chế mà Quyết định 1832/2017 đã chỉ ra khi đề cập các nguyên nhân khiến chương trình thí điểm ở một số quận bị thất bại.
Một câu hỏi không thể không đặt ra: Nếu đã được phổ biến, giải thích đầy đủ, cặn kẽ mà ai đó vẫn không chịu thực hiện thì chính quyền phải làm sao? ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP, cho biết chính quyền TP không đặt nặng việc xử phạt. Chỉ khi tất cả đều đồng bộ và việc tuyên truyền cũng đã nhuần nhuyễn mà người dân không thực hiện phân loại rác thì lúc đó các cơ quan có thẩm quyền mới tiến hành xử phạt.
Theo khoản 4 Điều 20 Nghị định 155/2016, mức phạt tiền dành cho hành vi không phân loại rác theo quy định là 15-20 triệu đồng. Đành rằng không phân loại rác là làm sai quy định nhưng các cá nhân có hành vi sai phạm này có đáng bị phạt ở mức trung bình là 17,5 triệu đồng? So với hành vi bỏ rác sinh hoạt không đúng chỗ ở khu dân cư, nơi công cộng bị phạt 3-5 triệu đồng và vứt rác sinh hoạt trên vỉa hè, hệ thống thoát nước thải đô thị bị phạt 5-7 triệu đồng, mức phạt không phân loại rác nêu trên có phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm? Liệu mức phạt đó có phù hợp với mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân và có đảm bảo được tính hợp lý, khả thi như yêu cầu của luật định để tuy không gây chấn động như trong vụ anh Cà Rê ở Cần Thơ bị phạt “khủng” do đổi 100 USD nhưng cũng dễ gây sốc hay không? Rồi nếu vì thấy cao mà không phạt thì lấy gì đảm bảo pháp quyền và lấy gì để tin rằng chính sách phân loại rác tại nguồn sẽ thôi gãy đổ?
Thói quen bỏ rác không đúng quy cách tồn tại đã lâu đời nhất định phải được thay đổi theo xu thế chung. Muốn vậy, sự đơn giản, rõ ràng, hợp lý không chỉ buộc phải có ở những văn bản điều chỉnh mà còn ở cả cách chế tài. Chắc chắn những quy định mới có liên quan của UBND TP sẽ phải đạt được yêu cầu này và những mức phạt chưa phù hợp của Nghị định 155/2016 phải sớm được chỉnh sửa để người dân cùng chính quyền dễ chấp nhận, thực hiện.