Viêm phổi là khi các thành phần chính của phổi, đặc biệt là các phế nang, tức là các đơn vị giúp phổi trao đổi khí bị tổn thương khiến dưỡng khí không thể đi vào máu, do đó làm cho cơ thể bị thiếu dưỡng khí, nhất là não. Nếu không chữa kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm đến tính mạng và có thể tử vong.
Các tác nhân gây viêm phổi
Theo một số thống kê cho thấy bệnh viêm phổi xảy ra do các yếu tố thuận lợi như khi thời tiết chuyển mùa, người bị suy giảm miễn dịch và người mắc các bệnh mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường vì sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, khi thời tiết thay đổi đột ngột sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng xâm nhập và sự tấn công phổi gây nên bệnh viêm phổi.
Trong một số trường hợp, nhất là người già và trẻ em thì bệnh viêm phổi thường diễn ra sau khi mắc phải các bệnh khác như cúm, cảm lạnh hoặc bị lây bệnh ngay trong bệnh viện.
Bệnh viêm phổi lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do sự phát tán các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng thông qua những hạt nước nhỏ li ti bắn ra khi nói chuyện hoặc ho, nhất là ở những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh về máu, suy dinh dưỡng, thiếu hụt miễn dịch...
Có thể tiêm phòng vaccine ngừa viêm phổi để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, nhất là ở những người mắc bệnh đái tháo đường, hen phế quản và các loại bệnh mạn tính khác.
Biểu hiện bệnh
Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng ở đường hô hấp cho nên những biểu hiện chủ yếu là về hô hấp như:
- Ho khan, ho có đàm hoặc đôi khi có máu.
- Sốt cao kèm lạnh run.
- Đau tức ngực nhất là khi thở sâu hay ho.
- Thở nhanh và khó thở.
Trong giai đoạn đầu, bệnh diễn ra âm thầm, kín đáo, rất giống với các bệnh hô hấp khác như khó chịu, ớn lạnh, sốt nhẹ, ho khan cho nên trong nhiều trường hợp người bệnh cứ tưởng nhầm là viêm họng, cảm cúm nên tỏ ra chủ quan không chịu điều trị hoặc điều trị không đến nơi đến chốn và đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng thì đã quá muộn.
Viêm phổi là bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp do đó cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì hiệu quả sẽ rất cao và nhất là sẽ ngăn ngừa sự lây lan trong gia đình và cộng đồng nhưng nếu phát hiện trễ hoặc điều trị không đúng thì rất dễ lây lan và gây những biến chứng nguy hiểm như:
- Tại phổi: Gây các biến chứng như viêm nhiều thùy phổi, xẹp phổi, áp xe phổi.
- Trong lồng ngực: Gây biến chứng tràn mủ màng phổi, viêm màng ngoài tim.
Để có thể phát hiện sớm bệnh viêm phổi cần chú ý để phát hiện sớm các dấu hiệu như thở nhanh, thở khó, ho khan, đau tức ngực, sốt nhẹ để đến ngay với bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chẩn đoán và điều trị
Hiện nay, với sự phát triển của khoa học, y học thì việc chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi rất dễ dàng.
Để có thể chẩn đoán chính xác bệnh viêm phổi, ngoài các dấu hiệu như trên, bác sĩ khám bệnh còn dựa vào hình ảnh của phim X-quang và xét nghiệm đàm để định danh tác nhân gây bệnh, từ đó xác định có phải viêm phổi hay không, do tác nhân nào gây ra.
Về điều trị bệnh viêm phổi, hiện nay có rất nhiều loại kháng sinh và mỗi loại tác nhân gây bệnh sẽ có một hoặc nhiều loại kháng sinh để điều trị cho nên việc điều trị vô cùng thuận lợi.
Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý mua thuốc về điều trị hoặc nghe theo sự hướng dẫn của người mắc bệnh trước đó vì như thế sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng quen thuốc của tác nhân gây bệnh và làm cho bệnh trầm trọng thêm, đôi khi làm lu mờ hoặc mất hết các dấu hiệu của bệnh sẽ rất khó trong việc chẩn đoán và điều trị của bác sĩ.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa bệnh viêm phổi cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp hoặc đến gần người đang mắc bệnh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, nhất là sau khi tiểu tiện và đại tiện, trước khi ăn uống hay chuẩn bị thức ăn.
- Không hút thuốc lá vì có thể gây phá hủy phổi, làm giảm các chức năng hô hấp vốn có của phổi và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
- Đeo khẩu trang khi quét dọn nhà cửa.
- Nghỉ ngơi phù hợp, ăn nhiều rau quả và ngũ cốc, tập luyện vừa phải.
- Đi khám bệnh ngay khi thấy ho dai dẳng, khó thở, đau ngực thay đổi theo nhịp thở và sốt không rõ nguyên nhân (đặc biệt sốt ≥ 39,5oC từ hai ngày trở lên cùng với ớn lạnh và đổ mồ hôi) hoặc đột nhiên thấy mệt hơn sau khi bị cảm lạnh hoặc cúm.
- Nghỉ nhiều.
- Uống nhiều, đặc biệt là nước.
- Dùng toàn bộ liệu trình các thuốc kê đơn.
BS HỒ VĂN CƯNG