Sáng 8-5, Tại Hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thông tin về một số vấn đề trong lĩnh vực giáo dục.
Liên quan đến vụ việc gian lận thi cử xảy ra tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La vừa qua, ông Nhạ cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã tích cực phối hợp thực thi các hoạt động chuyên môn hỗ trợ Bộ Công an chủ trì điều tra xác minh để xử lý các tiêu cực và gian lận thi cử tại Hội đồng thi cảc tỉnh Hà Giang Sơn La, Hòa Bình để đảm bảo công bằng của kỳ thi cũng như sự nghiêm minh của pháp luật.
Báo cáo của Bộ GD&ĐT về tình trạng vi phạm trong thi cử cho thấy, tại Hà Giang kết quả chẩm thẩm định của Bộ GD&ĐT có 330 bài thi của 114 thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Cá biệt có thí sinh có tổng điểm các bài thi được nâng lên 29,95 điểm. Căn cứ theo quy định của quy chế thi và tuyển sinh, trong số 114 thí sinh có 72 thí sinh đăng ký dự thi để xét công nhận tốt nghiệp năm 2018 và chỉ có 3 thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT. Có 39 thí sinh đã nhập học và hiện đang học tại 23 trường Đại học, Cao đẳng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT báo cáo tại hội nghị sáng 8-5.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là xử lý nghiêm khắc, xem xét buộc thôi học những thí sinh gian lận thi cử. Do đó khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu người nào trong số 39 sinh viên này có tham gia vào quá trình gian lận thi cử sẽ bị xử lý theo quy định.
Tại Sơn La, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiêm và 2 bài thi ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp sơn so với điểm đã công bố. Trong đó thí sinh được nâng điểm nhiều nhất là 26,55 điểm, bài thi có điểm nâng cao nhất là 9 điểm.
Tại Hòa Bình, có 64 thí sinh được sửa điểm thi, trong đó thí sinh được nâng điểm nhiều nhất là 26,45 điểm, bài thi được nâng nhiều nhất là 9,25 điểm.
Bộ GD&ĐT cũng cho hay, trong 108 thí sinh ở hai địa phương trên, có 1 thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, 13 thí sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển Đại học, Cao đẳng. Còn lại 1 thí sinh đã nhập học vào Học viện An ninh năm 2017. Hiện 82 thí sinh đã nhập học vào 26 trường Đại học, cơ sở giáo dục trong cả nước sau khi chấm thẩm định đã bị các trường buộc thôi học.
Riêng 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển đang được các trường cho tiếp tục theo học. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu người nào trong số 12 sinh viên này, nếu kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý các tiêu cực gian lận xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Quan điểm của Bộ Công an và Bộ GD&ĐT là tuyệt đối không dung túng cho sai phạm, đảm bảo đúng các quy định của quy chế và pháp luật. Các sai phạm trong thi cử phải xử lý nghiêm, xử lý đến cùng để đảm bảo công bằng cho kỳ thi.
Tuy nhiên, việc công bố các thông tin liên quan đến quá trình điều tra như danh tính của thí sinh và các đối tượng có liên quan chỉ được công khai đầy đủ sau khi kết thúc quá trình điều tra của Cơ quan An ninh điều tra.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho hay, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT đã thống nhất sau khi có kết luận chính thức cuối cùng của Cơ quan An ninh Điều tra, căn cứ tình hình cụ thể, sẽ trao đổi để xử lý trên tinh thần đúng pháp luật, nghiêm minh, khách quan. Không gây các tác động tiêu cực làm ảnh hưởng không tốt tới đời sống xã hội.
“Quan điểm của Bộ GD&ĐT là phải xử lý nghiêm minh, công bằng, chính xác, và công khai, minh bạch. Không chấp nhận những người có gian lận trong thi cử được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành. Vì vậy, Bộ đề nghị các địa phương cần cương quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục những cán bộ giáo viên có sai phạm” – ông Nhạ nói.