“Cơn lốc” giảm giá hàng điện tử và những hệ lụy

Giảm giá hơn 10 triệu đồng/ sản phẩm

"Giảm nhiệt cuối năm, thời điểm mua LCD giá tốt nhất - Đó là lời quảng cáo rất hấp dẫn của siêu thị điện máy Việt Long. Và không sai, dạo một vòng qua thị trường hàng điện tử, mặt hàng được khuyến mãi, giảm giá nhiều nhất chính là tivi LCD.

Tại Pico Plaza, khu vực tivi LCD có sức hấp dẫn hơn cả. Tivi của các hãng sản xuất có tiếng như Sony, Panasonic, Samsung, Sharp, Toshiba… đều được giảm giá với con số cực kỳ ấn tượng. Mức giảm giá ở đây dao động từ 1 triệu đồng cho tới 11 triệu đồng tùy loại sản phẩm.

Lực lượng quản lý thị trường và Chi cục Đo lường chất lượng Hà Nội kiểm tra một sản phẩm được bày bán

Một khách hàng đứng trước hàng loạt màn hình vô tuyến lớn của các hãng khác nhau, chiếc nào cũng có độ nét cao, màu sắc đẹp, phân vân: "Cái nào cũng đẹp, cái nào cũng được khuyến mãi, tôi chẳng biết nên chọn loại nào". Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều khách hàng.

Có một thực tế là, tại nhiều cửa hàng điện máy tư nhân nhỏ lẻ, người bán "tung hỏa mù" cho người mua, đưa ra các thông tin sai lệch để hướng người mua tới các sản phẩm theo chủ ý của mình.

Vào một cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, chúng tôi tìm tivi của một hãng nọ thì bị người bán hết lời chê hãng này. Chị bán hàng nói rằng: "Màn hình của hãng này phải đặt hãng khác làm. Thực ra, loại 13 triệu đồng của hãng này chỉ tương đương loại 6 triệu đồng của hãng khác vì họ bán thương hiệu mà". Chúng tôi khá ngạc nhiên trước đánh giá này và nhận ra rằng cửa hàng này không bán sản phẩm của hãng bọ nên chị bán hàng hướng chúng tôi mua hàng của hãng khác. Cách bán hàng này có thể làm khách hàng có nhận thức sai lệch về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

Tại các siêu thị hàng điện máy lớn, tuy giá bán có đắt hơn mức giá bên ngoài một chút, nhưng khách hàng có thể yên tâm không bị bắt chẹt giá. Nếu khách hàng không tìm hiểu kỹ sẽ phải tiếp nhận những thông tin sai lệch. Bên cạnh đó, không loại trừ người mua sẽ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Sẽ còn giảm giá mạnh

Theo Tiến sỹ Trần Quang Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, từ nay đến giáp Tết Nguyên đán, thị trường điện tử tiếp tục bước vào đợt giảm giá, đặc biệt là một số mặt hàng đang trở nên bão hòa. Đứng đầu bảng là tivi màn hình phẳng LCD đủ loại và kích cỡ. Sở dĩ mặt hàng này giảm giá nhiều là do sản xuất nhiều, nhà sản xuất tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá để giải phóng kho, giải quyết hàng tồn.

Tiếp đến là mặt hàng điện lạnh như tủ lạnh, máy giặt, điều hoà đều giảm giá. Giảm giá thấp nhất là mặt hàng điện thoại di động của hầu hết các hãng. Theo nhận định của các chuyên gia thì sở dĩ đây là dịp bùng nổ giảm giá bởi các nhà sản xuất, doanh nghiệp đều muốn bán hết hàng tồn trong dịp này để tung hàng mới, hiện đại ra thị trường vào đúng dịp giáp Tết Nguyên đán. Do vậy, đi mua hàng điện tử thời gian này khách hàng sẽ tha hồ được lựa chọn giá cả với mức ưu đãi nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo người tiêu dùng nên cẩn trọng trong việc chọn lựa chất lượng sản phẩm.

Gần 1 năm thực hiện lộ trình theo cam kết của WTO (ngày 1-1-2009), người tiêu dùng Việt Nam vẫn kỳ vọng được mua hàng điện tử giá rẻ, phong phú về chất lượng và mẫu mã của các nhà bán lẻ, tập đoàn lớn nước ngoài, nhưng đến nay họ vẫn chưa có mặt ở trong nước. Trong khi ấy, các doanh nghiệp điện tử trong nước vẫn đua nhau giảm giá, khuyến mại nhưng thị trường vẫn khá im ắng, không khí mua bán, giao dịch trầm lắng.

Theo thông lệ hằng năm, sức mua hàng điện tử thường sôi động vào dịp cận Tết, còn năm nay thì chưa thể dự đoán được. Để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, nhà bán lẻ cần phải thay đổi. Những chương trình khuyến mại, giảm giá phải là những cú hích kích thích tiêu dùng. Đừng để khuyến mãi, giảm giá trở thành cách bán hàng tồn, lỗi mốt hoặc đẩy giá lên cao rồi giảm giá vài phần trăm để đánh lừa người tiêu dùng

Theo TRẦN HẰNG-VIỆT HÀ (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới