Con rạch hóa thành ‘nền đất’

Nhiều năm nay, rạch Đất Sét (còn gọi là rạch Thợ Bột, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM) dường như hóa thành “nền đất”, rác thải tồn đọng, cây cỏ mọc um tùm gây nhiều bức xúc cho người dân khu vực này.

Cỏ cây, rác và muỗi

Đó là những gì có thể nhìn thấy trên mặt con rạch đoạn dài hơn 1 km. Bà Phạm Thị Thu Hà (khu phố 3A, phường Thạnh Lộc, quận 12) cho biết: “Lúc trước con rạch này lớn lắm, nước chảy thông thoáng, thuyền ghe, sà lan chạy vào chạy ra liên tục. Dân ở đây xây nhà phải nhờ sà lan chở vật liệu xây dựng vào. Bây giờ thì nước không chảy nữa, rác thải ứ đọng, đất bồi lên, cây cỏ mọc lên um tùm. Không những thế, nhiều người còn lấn chiếm rạch xây nhà, chuồng trại gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, mùa nắng hay mùa mưa đều bốc mùi hôi thối. Muỗi nhiều lắm, nhiều đứa trẻ đã bị sốt xuất huyết”.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Thu (khu phố 3A, phường Thạnh Lộc, quận 12) phải bỏ ra 3 triệu đồng để làm màn cửa lưới chống muỗi. “Sáng ngủ dậy, mở cửa ra là muỗi ùa vào, chừng 5 giờ chiều là mọi người phải đóng cửa, đốt nhang muỗi thường xuyên chứ dùng vợt diệt muỗi cũng không xuể” - bà Thu bức xúc.

Theo bà Thu, cách đây 10 năm, rạch Đất Sét có được nạo vét, dọn dẹp vệ sinh môi trường vài lần nhưng sau này thì ngưng hẳn nên rác thải và đất sình bồi tụ. Đồng thời, cống hộp Láng Le chống ngập được đặt ở gần sông Vàm Thuật nên nước không lưu thông, con rạch dường như biến thành nền đất.

Nhiều người dân khác cho biết đến cả các thiết bị điện tử như ti vi, máy vi tính cũng thường xuyên hư hỏng, khi mang đi sửa thì đều được thợ bảo rằng do hơi nước ô nhiễm bốc mùi lên, bám vào các thiết bị. Bà con đã không ít lần kiến nghị lên UBND phường Thạnh Lộc phải nạo vét rạch, nghiên cứu cho nước sông lưu thông liên tục để trả lại con rạch và xử lý những trường hợp lấn chiếm rạch. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn chưa được xử lý.

Những chòi tạm được dựng lên trên mé rạch. Ảnh nhỏ: Ông Trần Văn Phong ở khu phố 3A cho biết có thể đi qua đi lại con rạch này dễ dàng. Ảnh: LÊ THOA

Quận khẳng định sẽ nạo vét

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, cho biết rạch Đất Sét mới chỉ được nạo vét một đoạn theo chủ trương của TP do chưa đủ kinh phí. Riêng đoạn mà báo phản ánh ở trên (đoạn từ cầu Ga đến cống rạch Láng Le), ông đã đi khảo sát và thừa nhận khu vực này từ xưa đến giờ chưa được nạo vét nên bồi lắng, rác rưới ứ đọng, cây cối mọc um tùm, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Hiếu khẳng định: “Quận sẽ thuê tư vấn chuyên nạo vét kênh rạch tiến hành khảo sát, xem kinh phí ra sao để tính phương án kêu gọi xã hội hóa, huy động sức người, sức của. Quận đang cố gắng hết sức, phối hợp cùng Trung tâm Chống ngập TP.HCM và các nguồn lực khác, không chỉ nạo vét rạch Đất Sét mà còn nhiều con rạch khác trên địa bàn quận”.

Đối với việc dân lấn chiếm rạch, ông Hiếu cho biết sẽ vận động người vi phạm tháo dỡ, xác định lại ranh con rạch; nếu không tháo dỡ thì sẽ bị cưỡng chế. “Cống hộp Láng Le được lắp đặt ngăn cho nước sông Vàm Thuật chảy vào rạch Đất Sét gây ngập cũng như gây ô nhiễm. Trong khi đó, nước từ sông Sài Gòn chảy vào rạch Đất Sét lại bị nghẽn tại cầu Ga nên không vào tới rạch. Thời gian tới, quận sẽ tập trung nạo vét chỗ cầu Ga để nước lưu thông, trả lại con rạch cho người dân phường Thạnh Lộc” - ông Hiếu nói.

Nạo vét 18 tuyến kênh rạch ở quận 12

Vừa qua, UBND TP.HCM đã giao cho Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập TP.HCM lập thủ tục thực hiện dự án “Nạo vét, khơi thông dòng chảy 18 tuyến kênh rạch trên địa bàn quận 12” gồm: Bốn tuyến rạch tại phường Thạnh Lộc (Tầm Vu - Cả Bốn, Ông Học, Lò Heo, Ông Sỏi); năm tuyến rạch tại phường Thạnh Xuân (Bà The, Sâu, Tám Giáo, Sơ Rơ, Rỗng Tùng); năm tuyến rạch tại phường An Phú Đông (Sáu Sửu, Sáu Trình, Võ Đông Nhì, Tư Trang - Đất Sét, cầu Chợ) và bốn tuyến rạch tại phường Thới An (Tư Mành, Rỗng Mọi, Út Bon, Năm Lô).

Ngoài ra, UBND TP.HCM vừa giao UBND quận 12 làm chủ đầu tư công trình nạo vét rạch Thợ Bột, phường Thạnh Lộc có chiều dài 850 m với kinh phí đầu tư gần 3 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới