Còn vướng mắc trong triển khai cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM

(PLO)- Bộ KH&ĐT cho biết việc triển khai nghị quyết 98 về triển khai cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM còn một số vướng mắc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), vừa báo cáo Ban Chỉ đạo triển khai nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trong đó, bộ này cho biết việc triển khai nghị quyết này vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.

Các bộ và địa phương vào cuộc tích cực

Theo Bộ KH&ĐT, qua sáu tháng triển khai nghị quyết 98, được sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo, sự vào cuộc khẩn trương, toàn diện, tích cực của bộ máy các cấp, các ngành của TP.HCM, sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan trung ương, việc triển khai Nghị quyết 98 đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, các bộ đã soạn thảo bốn dự thảo nghị quyết của Chính phủ. Hiện Bộ Nội vụ đã trình ban hành Nghị định 07/2024 quy định chi tiết việc bầu, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường của TP.HCM. Bộ này cũng đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho chính quyền thành phố.

Thêm vào đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng dự thảo Nghị định hướng dẫn về quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng và chuyển giao) và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân liên quan đến các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố.

Việc triển khai nghị quyết 98 phát triển TP.HCM có nhiều kết quả tích cực. Ảnh: PLO
Việc triển khai nghị quyết 98 về phát triển TP.HCM có nhiều kết quả tích cực. Ảnh: PLO

Bộ Công thương, dự thảo hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công. Dự kiến tháng 4-2024, Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, thông qua dự thảo hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định và dự kiến trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Nghị định trong quý III hoặc quý IV/2024 để Nghị định có hiệu lực áp dụng trong tháng 12-2024.

Đối với các nhiệm vụ khác, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết các bộ đang tích cực phối hợp với chính quyền thành phố để triển khai các cơ chế, chính sách và các nhiệm vụ đã được giao như: Bổ sung chức năng cảng trung chuyển quốc tế đối với khu bến cảng cần Giờ; đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương; Nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây…

Về phía TP.HCM, nghị quyết 98 giao cho địa phương chủ trì 22 nhiệm vụ. Hiện chính quyền thành phố hoàn thành 6 nhiệm vụ, đang tích cực hoàn thành các nhiệm vụ còn lại.

Việc triển khai còn vướng mắc

Bên cạnh kết quả trên, Bộ KH&ĐT cho biết hiện việc triển khai nghị quyết còn một số vướng mắc. Chẳng hạn, còn hai dự thảo Nghị định của Chính phủ chưa được ban hành do một số nội dung cần thời gian giải trình, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan. Đối với Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định theo trình tự thủ tục hai bước nên dự kiến đến tháng 12 năm 2024 mới ban hành được Nghị định.

Cạnh đó, UBND TP.HCM cho biết đang gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù nhưng phải làm theo quy trình, thủ tục hiện hành (phải thông qua các Bộ, ngành Trung ương) và kiến nghị giao thành phố được chủ động quyết định về quy trình thủ tục cho đồng bộ, nên thời gian sẽ kéo dài hơn.

Đối các chính sách huy động và sử dụng nguồn lực, Bộ KH&ĐT cũng nhìn nhận các chính sách được nghị quyết cho phép thành phố triển khai cũng cần thêm thời gian nghiên cứu. Vì đây là các chính sách mới, liên quan nhiều lĩnh vực, bộ ngành cùng chung tay tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai.

Với những phân tích trên, Bộ KH&ĐT đề nghị TP.HCM tới đây cần phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tập trung triển khai các chính sách có tính đột phá, vượt trội, huy động nguồn lực để tạo đà cho thành phố phát triển mạnh mẽ.

Cụ thể ở đây là chính quyền thành phố phải triển khai các chính sách huy động nguồn lực dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng; thực hiện chính sách thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); thu hút nhà đầu tư chiến lược; thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP)…

Thành phố cũng cần phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương hoàn thiện khung khổ pháp lý và thu hút nhà đầu tư chiến lược vào phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch.

Chính quyền thành phố cần khẩn trương lựa chọn, ban hành danh mục các dự án đầu tư theo hình thức PPP trong các lĩnh vực đã được cho phép, gồm cả lĩnh vực thể thao, văn hóa để huy động tối đa nguồn lực xã hội cho đầu tư các hạ tầng của địa phương.

“Cạnh đó, thành phố cần rà soát các cơ chế, chính sách hoặc vấn đề còn vướng mắc trong quá trình phát triển, chưa được quy định trong luật và Nghị quyết của Quốc hội, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong thu hút nhà đầu tư chiến lược, huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, báo cáo Thủ tướng và các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo thẩm quyền…”- Bộ KH&ĐT đề nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm