Trong một thời gian ngắn, liên tục nhiều đường dây sản xuất, tiêu thụ, tàng trữ tiền giả bị Công an TP.HCM triệt phá đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về loại tội phạm đặc biệt này.
Không tiêu thụ, tàng trữ tiền giả
Theo cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao cảnh giác với loại tội phạm này, tuyệt đối không tiêu thụ, mua bán hay tàng trữ tiền giả; trường hợp phát hiện hãy báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý.
Đặc biệt thời điểm cận tết, nhiều tài khoản mạng xã hội rao bán công khai tiền giả với những lời quảng cáo “có cánh”. Không ít người dân vì thiếu hiểu biết pháp luật, cả tin, hám lợi đã sẵn sàng bỏ tiền thật mua tiền giả để tiêu dùng, tiếp tay cho những đường dây buôn bán tiền giả hoạt động mạnh hơn.
Nhiều trang rao bán tiền giả một cách công khai tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Sự xuất hiện của loại tội phạm này không chỉ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội và an ninh tiền tệ mà còn gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân.
Thủ đoạn của những kẻ dùng tiền giả là lợi dụng những nơi vắng người qua lại, nơi không đủ ánh sáng để quan sát, kiểm tra tờ tiền, dùng tiền giả mệnh giá lớn để mua hàng nhằm được thối lại...
Đối tượng thường được nhắm đến là những người buôn bán nhỏ, người già, người bán hàng đang bận rộn, mất cảnh giác, các điểm bán tạp hóa, hàng rong nhỏ lẻ ven đường…
Trong khi đó những kẻ phạm tội lại thường là những người không có nghề nghiệp hoặc hành nghề tự do, nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, hoạt động rất tinh vi.
Máy móc dùng để sản xuất tiền giả mà lực lượng chức năng thu giữ được của những nghi phạm. Ảnh: CA
Cách phân biệt tiền giả, tiền thật
Theo thông báo của Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), loại tiền giả xuất hiện thời gian gần đây có mệnh giá lớn từ 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng và 50.000 đồng.
Tiền giả được các nghi phạm làm ra có bề ngoài y như thật. Ảnh: HT
Các tờ tiền giả đều có đặc điểm chung là lớp mực in dễ bị bong tróc, hình ảnh, hoa văn không sắc nét, hình định vị không khớp. Khi soi dưới đèn cực tím thì seri dọc và seri ngang không phát quang.
Các đặc điểm nhận dạng tờ 500.000 đồng giả và thật. Ảnh: CA
Riêng tiền giả polymer mệnh giá 500.000 đồng có thể in trên nền nylon hoặc giấy, mảng ký tự siêu nhỏ là dải mực nhòe; cửa sổ lớn và cửa sổ nhỏ có định dạng không rõ ràng, không cân đối…
Tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng giả không được sắc nét như tờ tiền thật. Ảnh: CA
Ngoài ra hình ảnh hoa văn không sắt nét; hình định vị không khớp khít; mực đổi màu (OVI) được in cùng hình ảnh, hoa văn trước, không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật.
Các đặc điểm nhận dạng tờ 200.000 đồng giả và thật. Ảnh: CA
Các đối tượng cũng chưa làm giả được các yếu tố bảo an như: Nét in nổi, hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình ẩn trong cửa sổ nhỏ, IRODIN và mực không màu phát quang.
Tờ tiền giả bị nhòe mực, không như thật. Ảnh: CA
Với tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng thì hình ảnh hoa văn không sắc nét; làm giả hình bóng chìm nhưng không nhìn thấy khi soi nguồn sáng, chỉ nhìn thấy hình ảnh mờ nhạt trên hai mặt dưới ánh sáng thường…
Các đặc điểm phân việt tờ 50.000 đồng giả và thật. Ảnh: CA
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, Công an TP.HCM vừa phối hợp với nhiều đơn vị liên quan triệt phá hai đường dây chuyên sản xuất, tàng trữ và tiêu thụ tiền giả.
Cụ thể, Cơ quan CSĐT Công an quận 12 đã bắt tạm giam và khởi tố ba người để điều tra về tội sản xuất, tàng trữ tiền giả; làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức và tàng trữ trái phép chất ma túy. Trong số những người bị bắt có Lê Dương Tấn Tân (28 tuổi, ngụ phường Đông Hưng Thuận, quận 12), được xác định là kẻ cầm đầu. Nhóm này được xác định chuyên sản xuất tiền giả mệnh giá 500.000 đồng mang đi tiêu thụ....
Ngoài ra, Công an TP.HCM cũng phối hợp với Công an tỉnh Bình Thuận triệt phá đường dây sản xuất, lưu hành tiền giả do Diệp Đình Minh (31 tuổi, ngụ huyện Đức Linh, Bình Thuận) cầm đầu.
Tàng trữ tiền giả cũng là vi phạm Ngày 29-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Phòng An ninh Kinh tế, Công an TP.HCM cho biết thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện các đối tượng rao bán tiền giả. "Tuy nhiên, hầu như các trang rao bán tiền giả đó đều mang tính chất lừa đảo, khi người dân chuyển tiền giao dịch thì sẽ bị chiếm đoạt" - người này nói và lưu ý người dân không nên tin theo. Bên cạnh đó, bất kỳ người nào mua bán, trao đổi, tàng trữ liên quan đến tiền giả thì đều vi phạm pháp luật. "Không ai được phép làm điều này vì vi phạm pháp luật. Kể cả anh mua bán, tàng trữ một tờ tiền giả thì cũng đã vi phạm và bị xử lý. Đây là loại tội phạm đặc biệt" - người này tiếp. Theo lãnh đạo Phòng An ninh Kinh tế, một số đối tượng sản xuất tiền giả trong nước bằng phương thức thủ công, nhìn bề ngoài khá giống thật nên rất khó để phân biệt. Các đối tượng phạm tội lại thường không lộ diện, hoạt động kín kẽ, ranh ma... gây khó khăn cho công tác đấu tranh. "Người dân có nhu cầu đổi tiền, đổi tiền mới thì nên liên hệ các hệ thống ngân hàng chính thống để đổi, tránh bị lừa hoặc vi phạm pháp luật" - vị này khuyến cáo. |