Nhiều năm trở lại đây, cứ vào dịp tết, tình trạng trộm đột nhập phá khóa, thậm chí ngang nhiên mang cả xe tải đến hốt trọn tài sản khi gia đình chủ nhà đi vắng khiến nhiều người bất an. Bên cạnh đó, tội phạm còn các chiêu trò giàn cảnh cướp giật, giả dạng nhân viên sửa điện, nước để đột nhập vào nhà dân lấy tài sản… Dưới đây là các chiêu trò trộm cắp ngày tết thường thấy được các chiến sĩ công an điểm mặt.
Sơ hở là bị giật
Thiếu tá Lê Việt Tiến, cán bộ Đội Xây dựng phong trào an ninh Tổ quốc, Công an quận Tân Bình, chia sẻ thủ đoạn quen thuộc của tội phạm cướp giật là lợi dụng lúc nạn nhân sơ hở, áp sát giật tài sản rồi bỏ chạy. “Con mồi” mà chúng nhắm tới thường là phụ nữ, người lớn tuổi.
Những ngày tết đến, chúng thường trà trộn vào đám đông mua sắm hay dự lễ hội, đợi lúc nạn nhân mang điện thoại ra chụp ảnh, nghe điện thoại thì nhanh tay giật rồi chuyền ngay cho đồng bọn.
Thường đối tượng sẽ đi hai người, với những nhóm chuyên nghiệp chúng sẽ đi bốn người, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Một xe theo dõi “con mồi” đợi thời cơ giật tài sản. Xe sau sẽ đóng vai trò cản địa, che biển số của đồng bọn, báo động nếu thấy công an xuất hiện, tìm mọi cách cầm chân nạn nhân không cho đuổi theo.
Cũng theo Thiếu tá Lê Việt Tiến, nếu đi bộ, người dân hãy đi sát vào lề phải. Không nghe điện thoại khi đang lái xe, nếu nghe phải tấp xe vào lề đường tắt máy, rút chìa khóa, dừng lại nghe. Đi ô tô vẫn bị cướp như thường, do thói quen của nhiều người là bước ra khỏi xe, tay thường cầm túi xách là mồi ngon cho trộm cướp. Khi bước xuống xe, mọi người hãy quan sát cẩn thận rồi hẵng mang túi, đồ vật có giá trị ra ngoài.
Thiếu tá Lê Việt Tiến chia sẻ kinh nghiệm chống trộm, cướp ngày tết cùng người dân phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Giả dạng nhân viên sửa điện, nước
Trộm đột nhập là một trong những nỗi lo lớn của nhiều gia đình trong dịp tết đến. Đây là thời điểm nhiều gia đình phải về quê hoặc đi du lịch dài ngày sau một năm làm việc vất vả. Đây sẽ là cơ hội để những đối tượng trộm cắp hành nghề.
“Có một thủ đoạn rất tinh vi, nhiều người mất cảnh giác là trộm đột nhập công khai, giả danh bạn của con mình, nhân viên thay gas, sửa điện, nước. Với những trường hợp này, trước khi cho người lạ vào nhà, người dân lưu ý kiểm tra số điện thoại, giấy tờ… để xác minh thông tin. Kiểm tra lại xem nhà mình có hư hỏng thiết bị đó hay không, nếu có thì ai gọi tới, hỏi người lạ số điện thoại người gọi tới đúng hay không. Nếu nghi ngờ nên gọi điện thoại báo ngay công an phường xử lý” - Thiếu tá Lê Việt Tiến nói.
Dàn cảnh va chạm, đụng xe
Một lãnh đạo cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM) chia sẻ một trong những thủ đoạn quen thuộc của nhóm tội phạm này trong những ngày tết là dàn cảnh va chạm, đụng xe để trộm cắp, cướp giật.
Đường ngày tết đông đúc, những va chạm thường khó tránh khỏi, lợi dụng lúc này, đồng bọn chúng sẽ nhanh tay chôm tài sản của nạn nhân rồi chạy mất.
Tinh vi hơn, nhiều đối tượng sử dụng thủ đoạn giả vờ đánh ghen, nhắm vào cả con mồi là đàn ông và phụ nữ. Theo đó, một nhóm người thường hùng hổ tới tạt đầu xe, đánh nạn nhân phủ đầu rồi tri hô: “Mày là kẻ cướp chồng, cướp vợ người ta”... Người ngoài vì không rõ đầu đuôi câu chuyện, lại tin thật nên không dám can ngăn.
“Nếu không may rơi vào tình huống này, việc đầu tiên nạn nhân cần làm là rút ngay chìa khóa xe cất đi, đồng thời la to “Cướp, cướp” để được những người xung quanh giúp đỡ. Tôi biết nếu rơi vào tình huống đó, người dân sẽ hoảng loạn nhưng nếu chỉ biết khóc lóc, những người xung quanh sẽ hiểu nhầm là đánh ghen thật. Người dân rất ngại can thiệp vào chuyện tình cảm của người khác. La lớn “Cướp, cướp”, đồng thời yêu cầu được đưa về công an phường gần nhất xử lý là tốt nhất” - vị lãnh đạo chia sẻ.
Đi xa nên gửi nhà cho hàng xóm Tối 14-1, Công an quận Tân Bình phối hợp cùng UBND, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 15, quận Tân Bình tổ chức hội nghị tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, an toàn giao thông và phòng cháy chữa cháy. Làm thế nào để phòng, chống trộm đột nhập ngày tết là một trong những nội dung được Công an quận Tân Bình chia sẻ với người dân phường 15, quận Tân Bình trong tối 14-1. Gần 200 người dân đã ngồi lại đến giờ phút cuối để nghe những chia sẻ từ công an. Thiếu tá Lê Việt Tiến, cán bộ Đội Xây dựng phong trào an ninh Tổ quốc Công an quận Tân Bình, chia sẻ: “Tết đến là thời điểm nhiều gia đình chọn đi chơi xa, người đi du lịch, người về quê thăm ông bà, cha mẹ… Đối với những hộ thuê trọ chỉ nghĩ đơn giản khóa cửa cẩn thận là xong. Ai dè ngày về thành phố thì phát hiện nhà bị trộm cạy cửa vào lấy sạch tài sản giá trị. Thậm chí đã có trường hợp nhóm đối tượng ngang nhiên đưa cả xe tải lớn tới dọn sạch nhà. Hàng xóm không biết, chỉ nghĩ đơn giản chủ nhà chuyển đi, hoặc biết nhưng vì ghét nên cũng mặc kệ. Nhờ hàng xóm trông nhà giúp khi về quê, đi du lịch xa cũng là một giải pháp tốt để ngăn ngừa trộm cắp dịp tết”. Theo Thiếu tá Tiến, khi bị trộm, cướp, người dân nên đến ngay công an phường trình báo. “Đừng nghĩ tài sản nhỏ nên không trình báo, đây là hành vi tiếp tay cho tội phạm. Mỗi tư liệu từ người dân cung cấp chính là thông tin quý báu để chúng tôi tổng hợp, đối chiếu, nhận dạng để từ đó truy xét ra đối tượng này và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - Thiếu tá Tiến nói. |