Công an phục hồi giải quyết tố giác 2 vụ phá rừng liên quan cựu lãnh đạo Phú Yên

(PLO)- Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với hai vụ cho khai thác, phá rừng phòng hộ, đặc dụng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 2-6, một nguồn tin của PLO cho hay: Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã quyết định phục hồi việc giải quyết tin nguồn tin báo tội phạm đối với sai phạm trong việc cho phép khai thác rừng phòng hộ trái pháp luật để thực hiện dự án khu du lịch liên hợp cao cấp New City xảy ra tại xã An Phú, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

40 ha rừng phòng hộ ven biển ở TP Tuy Hòa bị khai thác, triệt phá để làm dự án trái quy định. Ảnh: TẤN LỘC

40 ha rừng phòng hộ ven biển ở TP Tuy Hòa bị khai thác, triệt phá để làm dự án trái quy định. Ảnh: TẤN LỘC

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên cũng quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với sai phạm trong việc cho phép khai thác khoáng sản đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực rừng đặc dụng để thi công dự án hầm đường bộ Đèo Cả xảy ra tại xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Đây là hai vụ cho khai thác, phá rừng phòng hộ, đặc dụng lớn mà Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần phản ánh.

Cũng theo nguồn tin trên, việc phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với sai phạm trong việc cho phép khai thác rừng phòng hộ trái pháp luật để thực hiện dự án khu du lịch liên hợp cao cấp New City được tiến hành sau khi có kết luận giám định tư pháp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên và hồ sơ, tài liệu do Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên cung cấp.

Việc này được thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định và yêu cầu cung cấp tài liệu của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên.

Các quyết định, yêu cầu trên để giải quyết đối với tố giác về tội phạm: ông Phạm Đình Cự, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; ông Lê Văn Trúc, cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên sai phạm trong việc cho phép Công ty New City phá rừng phòng hộ trái pháp luật để thực hiện dự án New City có dấu hiệu tội phạm.

Còn việc phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với sai phạm trong việc cho phép khai thác khoáng sản đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực rừng đặc dụng để thi công dự án hầm đường bộ Đèo Cả được tiến hành sau khi có kết luận giám định tư pháp của Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên.

Việc giám định tư pháp được thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đối với tố giác về tội phạm: ông Lê Văn Trúc, cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh sai phạm trong việc cho phép khai thác khoáng sản tại khu vực cấm (rừng đặc dụng) để thực hiện dự án khai thác khoáng sản phục vụ thi công hầm đường bộ Đèo Cả có dấu hiệu tội phạm.

Các quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm trên đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên gửi đến VKSND tỉnh.

Cho chặt phá, khai thác 40 ha rừng phòng hộ ven biển

Tháng 4-2017, Pháp Luật TP.HCM phản ánh tỉnh Phú Yên cho phá hàng chục ha rừng phòng hộ ven biển để làm dự án New City, trong đó có làm sân golf khi chưa xin phép Thủ tướng cho chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định, chưa có đánh giá tác động môi trường, chưa giao đất… Sau đó, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo dừng thi công dự án này.

Cuối tháng 4-2017, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì kiểm tra, làm rõ các vấn đề liên quan đến việc phá nhiều diện tích rừng, trong đó có rừng phòng hộ để thực hiện các dự án liên quan.

Qua kiểm tra 20 dự án liên quan đến rừng trên địa bàn Phú Yên, Thanh tra Chính phủ phát hiện hầu hết đều có vi phạm. Sai phạm nghiêm trọng nhất là khu du lịch liên hợp cao cấp New City với việc cho triển khai khi Thủ tướng chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ, cho chặt phá 40 ha rừng phòng hộ...

Hàng loạt cây phi lao hàng chục năm tuổi bị triệt hạ. Ảnh: TẤN LỘC

Hàng loạt cây phi lao hàng chục năm tuổi bị triệt hạ. Ảnh: TẤN LỘC

Kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy dự án New City triển khai trên diện tích hơn 122 ha; trong đó có gần 90 ha thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, còn lại thuộc quy hoạch rừng sản xuất. Toàn bộ diện tích này chưa được điều chỉnh trong quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020.

Theo Thanh tra Chính phủ, dự án New City chưa hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, trồng rừng thay thế nên chưa được Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Thế nhưng, tháng 3-2015, UBND tỉnh Phú Yên có thông báo về chuyển mục đích đất rừng phòng hộ khu vực An Phú thuộc dự án New City như sau: “… không đặt lại vấn đề trình Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi mục đích đất rừng phòng hộ. Nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư… cho phép thực hiện việc phân kỳ thu hồi đất rừng phòng hộ với diện tích đất thu hồi từng đợt nhỏ hơn 20 ha”.

Theo nhận định của Thanh tra Chính phủ, thực chất là chia nhỏ để không phải xin phép Thủ tướng theo quy định. Đến thời điểm kiểm tra, khu đất tại xã An Phú chưa có quyết định cho thuê đất của cơ quan thẩm quyền, chưa bàn giao đất cho nhà đầu tư, dự án cũng chưa được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thế nhưng, UBND tỉnh đã cho nhà đầu tư triển khai san lấp.

Thanh tra xác định có 40 ha rừng phòng hộ bị chặt phá, khai thác; trong đó có 5 ha khai thác không phép, 35 ha khai thác theo giấy phép không đúng quy định.

Thanh tra Chính phủ kết luận: Việc UBND tỉnh Phú Yên cho phép triển khai dự án New City khi chưa hoàn tất các thủ tục là vi phạm các quy định của pháp luật.

Cho phá 16 ha rừng đặc dụng Đèo Cả

Tháng 1-2018, Thanh tra Chính phủ có báo cáo kết quả kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng 16 ha rừng đặc dụng tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên để khai thác đất phục vụ thi công dự án hầm đường bộ Đèo Cả của Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch.

Thanh tra phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan đến việc tỉnh Phú Yên cho phá 16 ha rừng đặc dụng Đèo Cả để Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch khai thác khoáng sản đất san lấp phục vụ thi công dự án hầm đường bộ Đèo Cả.

Khu vực khai thác đang được quy hoạch là đất rừng đặc dụng có chức năng bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; cấm hoạt động khai khoáng theo quy định của Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên vẫn tham mưu UBND tỉnh bổ sung 16 ha rừng đặc dụng vào quy hoạch khoáng sản.

Khu vực rừng đặc dụng Đèo Cả bị phá làm mỏ đất. Ảnh: TL
Khu vực rừng đặc dụng Đèo Cả bị phá làm mỏ đất. Ảnh: TL

Tập đoàn Hải Thạch đã lập thủ tục thăm dò, khai thác khoáng sản, thuê đất. Mặc dù hồ sơ chưa hoàn chỉnh, chưa được phê duyệt nhưng Sở TN&MT vẫn kiến nghị UBND tỉnh cho phép Tập đoàn Hải Thạch vừa khai thác vừa hoàn tất thủ tục.

Tiếp đó, UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Tập đoàn Hải Thạch với thời gian khai thác năm năm năm tháng. Trong khi đó, diện tích rừng này chưa chuyển mục đích sử dụng rừng, chưa có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất…

Trong quá trình khai thác, Tập đoàn Hải Thạch đã thực hiện sai so với giấy phép khai thác khoáng sản được cấp và báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn khai thác vượt trữ lượng, quá độ sâu theo quy định, không thực hiện hoàn trả mặt bằng theo quy định…

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên giữ nguyên quy hoạch rừng đặc dụng, không điều chỉnh sang đất khác đối với khu vực mỏ đất có diện tích 16 ha nêu trên.

Đồng thời thực hiện ngay việc phục hồi môi trường, trồng lại rừng theo phương án đã được phê duyệt, đảm bảo chức năng bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Ngoài ra, yêu cầu Tập đoàn Hải Thạch khẩn trương thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường, trồng rừng ngay tại khu vực 16 ha khai thác mỏ, nộp đầy đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy