Công an TP.HCM khuyến cáo việc vay tiền trực tuyến, bị gán nợ, đe doạ đòi nợ

(PLO)- Công an TP.HCM vừa phát thông tin cảnh báo về hình thức giả mạo tên, thương hiệu các tổ chức tài chính, tín dụng, ví điện tử... để quảng cáo các gói vay hấp dẫn rồi từ đó gán nợ, đe dọa đòi nợ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Công an TP.HCM, ghi nhận của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), từ đầu năm 2022 đến nay, có hơn 2.624 người báo cáo lừa đảo. Trong đó, số người phản ánh về các ứng dụng (app) liên quan tới hoạt động tín dụng đen chiếm 30% số lượng cảnh báo về lừa đảo trực tuyến được gửi về.

Công an TP.HCM khuyến cáo việc vay tiền trực tuyến, bị gán nợ, đe doạ đòi nợ
Công an TP.HCM cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo vay tiền trực tuyến và bị đe dọa gán nợ, đòi nợ. Ảnh: CA

Cụ thể, các đối tượng giả mạo tên, thương hiệu của các tổ chức tài chính, tín dụng, ví điện tử,... để quảng cáo các gói vay hấp dẫn. Những ứng dụng, website đa phần đều được quảng cáo là lãi suất thấp, giải ngân nhanh. Thậm chí có nơi còn cho vay ưu đãi 0% hoặc thủ tục vay và không cần tài sản thế chấp, giải ngân siêu tốc...

Thực tế, đây đều là các hình thức lừa đảo và dẫn đến những hậu quả như lộ lọt thông tin cá nhân.

Thủ đoạn là các đối tượng lấy lý do thẩm duyệt hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại,… Sau đó, dẫn dụ cài đặt ứng dụng độc hại, các ứng dụng này yêu cầu người vay nợ phải cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, các tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh CMND…

Khi nạn nhân không chuyển tiền theo yêu cầu, chúng sẽ quay sang gán nợ, đòi nợ những người trong danh bạ hoặc gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm, bôi nhọ đến những người này hoặc đăng trên các tài khoản mạng xã hội để gây áp lực.

Ngoài ra, chúng còn dẫn tới các vụ lừa đảo và cưỡng đoạt tài sản. Vì khi hoàn tất hồ sơ vay, các đối tượng thông báo nạn nhân đã nhận được tiền (hình ảnh hiển thị trên giao diện) nhưng không rút được do "sai thông tin" để yêu cầu bị hại chuyển tiền xác minh tài khoản. Nhiều bị hại bị lừa đến khi mất sạch tài sản hiện có thì mới nhận ra bị lừa.

Theo Công an TP.HCM, nếu nạn nhân không chuyển tiền, chúng sẽ giở thủ đoạn gán nợ - đe doạ. Nếu không làm theo yêu cầu sẽ bị đưa vào danh sách nợ xấu, báo công an nạn nhân lừa đảo hoặc đe doạ đòi nợ theo hình thức gây áp lực tinh thần.

Khuyến cáo của Công an TP.HCM

- Người dân phải tỉnh táo, nếu gặp phải thủ đoạn trên thì khẩn trương bảo mật thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, gỡ bỏ ứng dụng độc hại trên máy. Chủ động cảnh báo thân nhân, bạn bè về việc bị lừa đảo để phòng ngừa và tự bảo vệ bản thân.

- Tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng. Cắt mọi liên lạc để không bị các đối tượng thao túng, dẫn dắt,... chiếm đoạt tiền.

- Thu thập dữ liệu, thông tin về hành vi lừa đảo để báo cáo, tố giác đến cơ quan công an gần nhất.

- Luôn cảnh giác trước tín dụng đen và thủ đoạn lừa như đã nêu trên. Khi sử dụng mạng xã hội hoặc nhận được các tin nhắn kèm đường link cài đặt ứng dụng có nội dung như: “Không cần thế chấp, lãi suất không đồng”, “Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay”… thì có thể đây là những hình thức của lừa đảo trực tuyến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm