Sáng 10-12, kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM bước sang ngày làm việc thứ 2.
Tại phần thảo luận chung sáng nay, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM báo cáo về tình hình đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao.
560 vụ liên quan tội phạm công nghệ cao
Trong năm 2024, Công an TP.HCM đã khởi tố 4.515 vụ án đối với số vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 1.249 vụ so với cùng kỳ (tương ứng 21,67%), đã khám phá 3.282/4.515 vụ (đạt 72,69%).
Lực lượng Công an TP.HCM đã bắt 5.936 đối tượng. Trong đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn đang diễn biến phức tạp.
"Thời gian qua, địa bàn xảy ra 560 vụ lừa đảo, với nhiều phương thức, thủ đoạn như sử dụng công nghệ gọi điện thoại bằng tổng đài ảo VOIP (là một dịch vụ nghe gọi hiện đại phát triển dựa trên nền tảng đám mây- PV) qua mạng internet để lừa đảo bằng hình thức trúng thưởng, cho vay tín chấp ngân hàng hoặc giả danh cơ quan chức năng yêu cầu nạn nhân cập nhật thông tin thông qua đường link lạ"- Phó Giám đốc Công an TP.HCM nêu.
Công an TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp để phòng ngừa và đấu tranh, như thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin người dân về những số điện thoại lừa đảo.
Theo đó, người dân có thể đến trực tiếp trụ sở Công an hoặc liên hệ thông qua số điện thoại trực ban của Công an TP, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP, Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao hoặc số điện thoại trực ban của Công an 21 quận, huyện, TP Thủ Đức.
Các đơn vị trực thuộc đã thành lập các trang mạng xã hội trực tuyến, người dân có thể trực tiếp nhắn tin để trình báo tội phạm; ứng dụng VneID đã tích hợp tính năng kiến nghị, phản ánh về ANTT để người dân có thể kiến nghị trực tuyến...
Cần siết quản lý giao dịch trực tuyến, xác thực sinh trắc học để phòng ngừa
Hiện nay, Công an TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Công an báo cáo cấp có thẩm quyền đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý có liên quan công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Trong đó, kiến nghị bổ sung quy định pháp luật về các loại tài sản số, tiền kỹ thuật số, tiền ảo. Xây dựng cơ chế trao đổi, phối hợp, xác minh thông tin liên quan các hành vi phạm tội giữa cơ quan Công an với các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Đẩy mạnh triển khai các quy định pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành; chấn chỉnh hoạt động quản lý, đăng ký tài khoản ngân hàng của các tổ chức ngân hàng, công ty tài chính, ví điện tử....
Song song đó, siết chặt quản lý giao dịch trực tuyến, thêm các điều kiện bảo mật, hạn mức chuyển tiền trực tuyến, xác thực sinh trắc học để phòng ngừa tội phạm, bảo vệ tài sản cho người dân...
Công an TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Công an tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, nhất là ký hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm, phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm với các quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội trên không gian mạng nhắm vào địa bàn Việt Nam.
Cảnh giác với chiêu trò đầu tư với lãi suất hấp dẫn
Công an TP.HCM cho biết, tội phạm nói chung và tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng có tính chất quốc tế cao, sẽ liên tục thay đổi phương thức thủ đoạn hoạt động để đối phó với biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn của cơ quan chức năng.
Vì vậy, Công an TP cũng rất cần sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các cơ quan chức năng và chung tay hỗ trợ của người dân trên địa bàn.
Người dân cần bình tĩnh khi tiếp nhận các thông tin yêu cầu làm việc qua điện thoại (nhất là các đầu số lạ) từ những người tự xưng là cán bộ cơ quan Công an giải quyết các thủ tục hành chính; tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của đối tượng, một nguyên tắc cần nắm là “Cơ quan Công an không mời làm việc qua điện thoại”.
Chủ động cảnh giác trước các chiêu trò mời gọi đầu tư tài chính với lãi suất hấp dẫn hay các hình thức làm việc trực tuyến, “việc nhẹ lương cao”, kiên quyết không tham gia các hoạt động này.
Quan trọng nhất, người dân không công khai thông tin này một cách tùy tiện trên không gian mạng. Đối với các loại tài khoản số, cần chú ý việc bảo mật tài khoản, không cung cấp tên đăng nhập, mã OTP xác thực các loại tài khoản cho người lạ. Cập nhật sinh trắc học cho các tài khoản ngân hàng từ ngày 01/7/2024 theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...