Xem Danh sách ứng cử viên ĐBQH khóa XIV chính thức tại đây.
Theo đó có 870 ứng cử viên chính thức tham gia ứng cử ĐBQH khóa XIV tại 184 đơn vị bầu cử được phân bố tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong số này có 197 ứng cử viên là do Trung ương giới thiệu, các địa phương giới thiệu 673 người. 870 ứng cử viên này sẽ được cử tri cả nước bỏ phiếu bầu vào ngày 22-5 tới để chọn ra 500 ĐBQH chính thức của khóa XIV, tương đương tỉ lệ 1,74 người ứng cử trên một đại biểu được bầu, trong đó có 11 người tự ứng cử.
ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội kiêm Chánh Văn phòng Ủy ban bầu cử Quốc gia
Theo danh sách này, Hà Nội và TP.HCM là những địa phương có số lượng người ứng cử ĐBQH đông nhất, đều có 50 người ứng cử ĐBQH. Trong đó, tại Hà Nội có 50 người ứng cử, để bầu ra 30 ĐBQH chính thức. Các ứng cử viên được chia vào 10 đơn vị bầu cử, mỗi đơn vị bầu cử có năm ứng cử viên để bầu ra ba đại biểu.
Tương tự TP.HCM cũng có 50 người ứng cử, để bầu ra 30 ĐBQH chính thức. Các ứng cử viên được chia vào 10 đơn vị bầu cử, mỗi đơn vị bầu cử có năm ứng cử viên để bầu ra ba đại biểu. Hải Phòng có 15 người ứng cử, để bầu ra chín ĐBQH thông qua ba đơn vị bầu cử. Đà Nẵng có 10 ứng cử viên, sẽ bầu ra sáu ĐBQH chính thức qua hai đơn vị bầu cử…
Liên quan đến việc tỉ lệ người tự ứng cử chỉ đạt 11/870 ứng cử viên ĐBQH. Có nhiều người tự ứng cử không lọt qua vòng hiệp thương lần 3, trong đó có nhiều người đạt tỉ lệ tín nhiệm cử tri tại địa phương cao 100% như trường hợp của ông Trần Đăng Tuấn (tự ứng cử tại Hà Nội), ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội kiêm Chánh văn phòng Ủy ban Bầu cử Quốc gia cho hay:
“Việc có nhiều người tham gia ứng cử Quốc hội khóa XIV cho thấy người dân rất quan tâm và muốn có đóng góp cho đất nước. Vừa qua, nhiều người dân ở vị trí khác nhau có đơn xin tự ứng cử. Đối với bất cứ ai ứng cử kể cả do cơ quan, tổ chức giới thiệu hay là ứng cử tự do đều phải trải qua qua các vòng tuyển chọn, lựa chọn theo đánh giá của các cử tri và tiêu chuẩn cụ thể theo luật định. Về việc có một số người đạt tín nhiệm bị loại tại vòng hiệp thương lần 3 là chuyện rất bình thường. Bỏ phiếu bằng hình thức giơ tay hay bỏ phiếu kín là quyền của cử tri và của các đại biểu tại các vòng hiệp thương”.
Liên quan đến việc nhiều địa phương có đề nghị các lãnh đạo cấp cao về địa phương mình tham gia ứng cử, ông Phúc cho hay: “Theo nguyên tắc các địa phương đều muốn có lãnh đạo cấp cao về ứng cử. Đó là mong muốn của địa phương. Ví dụ các bộ trưởng, nhiều người có ba bốn địa phương mong muốn giới thiệu về. Như Chủ tịch Quốc hội có tới năm địa phương xin giới thiệu về. Nhưng Trung ương đã có phân bố đều các đồng chí lãnh đạo về các vùng miền”.
Ông Phúc cũng cho biết về việc giải quyết khiếu nại tố cáo, vẫn thực hiện theo đúng quy định. Nếu hôm nay công bố danh sách, nếu có đơn khiếu nại tố cáo liên quan tới người ứng cử, các địa phương sẽ tiếp thu văn bản và trả lời những người có đơn. Nếu người có đơn chưa đồng tình có thể khiếu nại tới Hội đồng bầu cử Quốc gia và quyết định của Hội đồng bầu cử Quốc gia là quyết định cuối cùng.