* Ông BÙI SỸ LỢI (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội):
Nhiều người phạt tiền không nghĩa lý gì
Luật sư PHẠM VĂN THẠNH (Đoàn luật sư TP.HCM): Mua dâm không phải là tội phạm Mục đích của việc xử lý người vi phạm ngoài việc xử phạt còn có ý nghĩa răn đe, giáo dục. Công khai danh tính người mua dâm liệu việc cảm hóa, giáo dục người vi phạm có đạt hiệu quả và phòng ngừa chung? Và sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng tới bản thân họ mà còn tác động rất xấu đến gia đình người đó như vợ, con họ cũng bị tổn thương tâm lý, trẻ không còn dám đến trường vì xấu hổ, mặc cảm với bạn bè xung quanh. Áp lực xã hội có thể khiến họ nghĩ quẩn mà làm những điều tệ hại khác lớn hơn nên việc làm này chắc chắn không đạt mục đích là phòng ngừa và giảm bớt tệ nạn? Hành vi mua dâm chỉ là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính mà chế tài đã có quy định, người mua dâm không phải là tội phạm thì vấn đề nêu tên, tuổi cần phải thận trọng hơn. Một số tội phạm trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ tòa cho xử kín. Hay người phạm tội hình sự khi bị tòa xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo và giao cho chính quyền địa phương quản lý, giáo dục thì phần lớn cũng không công khai đưa ra kiểm điểm giáo dục trước đoàn thể, chính quyền địa phương, cộng đồng... thì liệu việc đề xuất xử phạt người mua dâm thật nặng rồi còn công khai danh tính của họ có hiệu quả không? Có hướng tới mục tiêu răn đe, giáo dục hơn trừng trị? |
Thứ nhất, cần phải nói rõ việc mua dâm là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội, trái với thuần phong mỹ tục. Do vậy, việc công khai danh tính người mua dâm không có gì trái với các quy định của pháp luật.
Từ lâu rồi, tôi đã đề xuất công khai danh tính người mua dâm đến cơ quan, đơn vị người đó công tác và chính quyền địa phương để đảm bảo xử lý công bằng giữa người mua và người bán, vì có cung mới có cầu và ngược lại. Tuy nhiên, trong pháp lệnh hiện nay mới chỉ quy định việc thông báo vi phạm của người mua dâm tới người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, áp dụng với các trường hợp người mua dâm là cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, như vậy là chưa công bằng.
Thực tế, nếu áp dụng cả hai chế tài xử phạt và công khai danh tính, đồng thời thực thi nghiêm túc, kết hợp với công tác tuyên truyền giáo dục, quản lý, hỗ trợ giải quyết việc làm thì hiệu quả xử lý chắc chắn sẽ cao hơn. Tôi cho rằng việc phạt hành chính vẫn phải thực hiện. Đi kèm với xử phạt dứt khoát phải có chế tài vì có những trường hợp người mua dâm là “đại gia” thì phạt tiền không có nghĩa lý gì, không có tác dụng răn đe và giáo dục lâu dài. Do vậy, việc phạt tiền cần phải nghiên cứu điều chỉnh theo hướng xử phạt cao, đi kèm là áp dụng hình thức công khai danh tính người mua dâm.
* Ông HOÀNG THÀNH THÁI (phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội):
Công khai sẽ có hiệu quả răn đe
Sau khi tổng kết 10 năm thi hành pháp lệnh phòng chống mại dâm, đặc biệt là từ thực tiễn quản lý tại Hà Nội mới kiến nghị Quốc hội nghiên cứu điều chỉnh tăng mức xử phạt hành chính với người mua dâm và cần công khai danh tính người mua dâm.
Quy định về xử lý vi phạm hành chính với người bán dâm hiện nay quá thấp. Ví như người bán dâm chỉ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng. Phạt như vậy không răn đe được, đôi khi có người còn bảo do người bán dâm ngầm hiểu phạt như vậy là để cho tồn tại.
Thậm chí ngay quy định tại nghị quyết 24/2012 của Quốc hội về việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, tình hình mại dâm ở nơi công cộng có xu hướng công khai và gia tăng vì việc xử phạt hành chính so với việc đưa đi cải tạo có phần “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều. Mặt khác, so với số tiền kiếm được từ việc bán dâm thì mức phạt nói trên quả thực không đáng là bao.
Chúng tôi kiến nghị phải tăng mức xử phạt hành chính. Tăng lên mức nào cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, nhưng phải tăng cao để đủ sức răn đe người bán dâm. Còn với người mua dâm, chắc chắn nếu đề xuất của Hà Nội về việc công khai danh tính người vi phạm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục, sẽ có tác dụng ngăn ngừa, răn đe để hạn chế vi phạm.
* Bà N.M.H. (từng làm gái đứng đường ở khu vực công viên Phú Lâm, Q.6, TP.HCM):
Nói ức chế quá nên đi chơi bời là xạo
Tôi là dân kinh tế mới, chạy dạt từ Kiên Giang lên TP.HCM mưu sinh. Thời buổi khó khăn, không biết làm gì để sống, nên sa chân vào cuộc sống dưới bóng tối những gốc cây. Ê chề, thảm cảnh lắm. Dân chơi bời quậy mình. Khi bị công an bắt, mình cũng không dám nhìn thẳng vào mặt họ. Tôi bị đưa đi phục hồi nhân phẩm, nên thay đổi được cuộc đời dù muộn màng và nghèo khó. Sống trong bóng tối này, cuộc đời chỉ từ tối đến đen thui, chẳng ai ngóc đầu lên được. Chưa kể nhiều người không kịp sống đến già vì đủ thứ bệnh tật lây nhiễm và nguy hiểm ở đường phố. Dân chơi bời cũng trăm hạng người. Thợ hồ, xe ôm say xỉn. Dân làm việc áo bỏ vô quần, cặp xách hẳn hoi. Ông nào xáp vô cũng hùng hục như bị “đói ăn” lâu ngày lắm rồi...
Thiệt bụng, đến tuổi 50 rồi, nghĩ đi nghĩ lại tôi hoàn toàn ủng hộ các biện pháp cứng rắn đến mức độ làm sao dẹp hẳn được nạn mại dâm. Phận đàn bà rơi vô đó là tàn đời. Đàn ông xáp vô đó cũng lừa vợ, dối con, rước bệnh tật, nghèo khổ về nhà. Để làm gì? Dẹp hẳn đi cho xã hội yên ổn. Đàn bà, con gái ra đứng đường hay vào bia ôm kiếm tiền được thì đi lượm rác, bán vé số hay công nhân cũng sống được mà. Còn đàn ông “ghiền” quá thì về với vợ đi, chưa có vợ thì kiếm bồ bịch đi. Phụ nữ đầy đường đó. Tình yêu bây giờ cũng thoáng lắm mà, gặp nhau vài lần là chung đụng thoải mái rồi. Tôi nói thiệt đàn ông nói ức chế quá nên phải đi chơi bời là xạo thôi…
Hậu quả khôn lường *Ông TRẦN THANH PHONG (nguyên sĩ quan công an, ngụ Q.4, TP.HCM): Mặt mũi nào nhìn cơ quan, hàng xóm Tôi đã nhiều lần tham gia truy quét nạn mại dâm và hiểu rất nhiều chuyện về họ. Sự thật là không phải ai cũng “nghiện” chuyện này đâu. Có những người chỉ “lỡ dại” một lần hay một vài lần gì đó. Đâu ngờ họ dính ngay đợt chúng tôi ra quân truy quét. Có những kẻ “nghiện” chơi bời, cảm giác lạ thật sự. Nhưng cũng có những người vì hoàn cảnh bị dồn nén, ức chế quá. Giả sử như công nhân đi làm xa nhà, xa vợ con hoặc chưa có gia đình. Thậm chí những người có học hành cao, công việc tốt, nhưng lập gia đình trễ, mà hiện nay hình như xã hội có tình trạng này nhiều lắm. Họ cũng là đàn ông, cũng có nhu cầu sinh lý bình thường chứ. Tôi không ủng hộ tự do mại dâm như các nước, nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng phải nhìn nhận nó như một hiện thực không thể loại bỏ hoàn toàn của xã hội. Bắt, phạt họ, nhưng làm sao để họ ý thức, tránh sa lầy vào bản năng tình dục trái với thuần phong mỹ tục, hướng đến đời sống lành mạnh, chứ đừng để họ quá xấu hổ, tan nát đời sống của mình. Tôi nghĩ nếu công khai danh tính người mua dâm thì làm sao họ còn mặt mũi nào sống với cơ quan, vợ con, hàng xóm. Thậm chí, những người không vững vàng có thể nảy sinh những hành động tiêu cực rất khó lường, giả sử như ly dị, bỏ đi biệt tích, kể cả tự sát... *Anh T.T.A. (công nhân may mặc ở Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM): Kiếm gái đứng đường cũng nhục lắm chứ Tôi nói thiệt bụng, nếu có chỗ quan hệ lành mạnh chắc chắn tôi không bao giờ đến mấy chỗ tối om, bẩn thỉu đó. Năm nay tôi ngoài 35 tuổi, nhà quê nghèo quá, nên phải lên thành phố kiếm sống. Đi làm từ lúc mặt trời chưa mọc, về thì mặt trời đã lặn, kiếm bạn gái đâu ra. Mà mình cũng chỉ là thằng công nhân đâu dễ kiếm vợ con. Anh em ở trọ với nhau, thỉnh thoảng cũng tâm sự chuyện trai gái hay lén xem phim ảnh này nọ. Máu bức xúc nổi lên, làm sao bây giờ? Ra kiếm mấy cô đứng đường ở ngã tư An Sương hay công viên Phú Lâm cũng nhục lắm chứ. Lỡ bạn bè thấy thì sao? Mà lúc nào cũng lo công an bắt. Sung sướng được gì đâu. Kìm chế không nổi, mấy tháng mới dám mò ra đó một lần, phải đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang cho đỡ mắc cỡ. Mà tiền công nhân cũng đâu có nhiều để hay ra đó. Tôi chỉ có ý kiến các nhà làm luật gì đó nên thử khảo sát đời sống của đàn ông, con trai ngoài xã hội xem thế nào. Bây giờ nhiều người lập gia đình trễ lắm. Bạn bè tôi có người 40 tuổi cũng chưa lấy được vợ. Khổ lắm chứ. *Cô Q.T.A. (phục vụ quán bia ôm ở khu Tên Lửa, Q.Bình Tân, TP.HCM): Coi chừng chỉ làm cho “nghề” này biến tướng Tôi chỉ thấy càng cấm người ta chơi bời càng dữ. Không tin cứ đi kiểm tra xem có đúng không. Tôi có tuổi rồi, nên phải trụ ở đây, chứ mấy em trẻ đẹp bay nhảy chỗ khác hết rồi. Có đứa còn ra cả nước ngoài làm mại dâm công khai, mấy tháng lại gửi tiền đô về cho ba má. Tôi nghĩ chuyện công khai tên tuổi người mua dâm, bán dâm gì đó nghe thì cứng lắm, nhưng coi chừng chỉ làm cho “nghề” này sinh ra biến tướng thêm nhiều cách để tránh né công an thôi. Như tôi biết có mấy em trẻ đẹp đi làm gái bao dài hạn, nhưng thực chất là bán dâm. Công an có kiểm tra là nói bồ bịch mà cũng giống như bồ bịch thiệt thì làm sao? Gần đây, công an “đánh dữ”, nhiều ông khách quen của tụi tôi còn ôm cả bó tiền, tổ chức cả chuyến du lịch đi Thái Lan để chơi bời xả láng cả tuần rồi về. Làm sao quản họ? Tôi không tin có cách nào đó dẹp hẳn tình trạng này. Thà cho công khai mấy chỗ nào đó để quản lý, thu thuế được, thanh niên cỡ tuổi nào đó mới được bén mảng vào, còn hơn cấm cản này nọ để tình trạng càng phức tạp hơn. |
Theo X.Long - T.Lụa - Q.Minh - H.Châu ghi (TTO)