'Công trường sa tặc' ở Bình Thuận: Công an tiếp tục điều tra

(PLO)- Có dấu hiệu của nhiều tội phạm xung quanh “công trường sa tặc” ở huyện Hàm Tân, Bình Thuận.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-2, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết Công an tỉnh Bình Thuận tiếp tục phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Tân làm việc với những người liên quan để điều tra làm rõ hành vi khai thác khoáng sản trái phép ở xã Sơn Mỹ mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh.

Tố cáo xong, đâu lại vào đấy

Ngày 29-2, theo ghi nhận của PV, “công trường sa tặc” đã được ông Chính đóng kín cửa, im lìm, tuyệt nhiên không có người, xe ben qua lại nhộn nhịp như mọi ngày.

Bên trong bãi chứa cát, ông Chính cho người san gạt cát xuống những hố sâu rồi tổ chức trồng cây dừa thành từng hàng để che mắt cơ quan chức năng.

p5_chinh_satac_votung_ttam.jpg
Ngày 29-2, “công trường sa tặc” của ông Chính ngưng hoạt động. Ảnh trong bài: M.HẬU

Trước đó, ngay sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng loạt bài điều tra ““Công trường sa tặc” trong rừng ở Bình Thuận”, Công an tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Tân, VKS, UBND xã Sơn Mỹ và các ngành chức năng liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường ở “công trường sa tặc” của ông Nguyễn Hữu Chính (34 tuổi, ngụ xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân).

Tại thời điểm kiểm tra, công an phát hiện bãi tập kết của ông Nguyễn Hữu Chính và xung quanh bãi này có tổng cộng hơn 2.400 m³ cát bồi nền, cách đó có nhiều ao, hồ mới và cũ.

Trao đổi với chúng tôi, ông V (ngụ xã Sơn Mỹ) cho hay: Ông và người dân xã Sơn Mỹ bức xúc trước nạn khai thác cát trái phép nên đã nhiều lần phản ánh với chính quyền nhưng chỉ được dăm bữa, máy cày, máy cuốc và xe ben lại rầm rập khai thác và chở cát nườm nượp trên đường.

p5_PHU1_satac_votung_ttam.jpg
Máy móc phục vụ việc hút trộm cát ngưng hoạt động.

Cũng theo ông V, do việc tiếp cận để ghi hình nhằm tố cáo hành vi của ông Chính khó khăn vì các con đường dẫn đến “công trường” luôn có nhiều người cảnh giới nên người dân trong khu vực đã góp tiền mua flycam.

“Tuy nhiên, chúng tôi đã bị hạ nhiều flycam trong khu vực “công trường sa tặc”” - ông V nói thêm.

Còn ông Trần Văn T (ngụ xã Sơn Mỹ) cho biết do quá bức xúc trước việc ông Chính tổ chức cho hàng chục máy cày bơm hút cát trái phép, tác động đến đất canh tác và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, làm mất an ninh trật tự ở địa phương nên các hộ dân đã làm đơn tố cáo gửi đến lãnh đạo tỉnh Bình Thuận với mong muốn đất đai không bị hủy hoại nhưng đâu lại vào đấy...

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một công ty khai thác khoáng sản là cát được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép cho biết đã đóng cửa mỏ, ngưng khai thác từ nhiều tháng qua. Lý do là việc khai thác hợp pháp không thể cạnh tranh về giá so với những người khai thác lậu.

Có dấu hiệu tội phạm

Trong quá trình tác nghiệp, ngoài việc ghi nhận việc khai thác cát trái phép, chúng tôi còn nghe thông tin là các chủ đất ở xa đã lén bán cho ông Chính khai thác cát và điều này cũng được cán bộ xã Sơn Mỹ đặt nghi vấn.

'Công trường sa tặc' ở Bình Thuận: Công an tiếp tục điều tra
Hoạt động khai thác cát trái phép gây ra các ao, hồ.

Có người bị những kẻ trộm cát làm hư hỏng đất, rừng tràm bị triệt phá nên đã làm đơn tố cáo, kiện tụng...

Theo quy định của Luật Khoáng sản, cát, đất, sỏi, sạn… đều được tích tụ tự nhiên, phân bố ở tầng phong hóa của vỏ Trái đất và nó là khoáng sản.

Liên tục bị xử phạt

Từ năm 2020 đến nay, ông Nguyễn Hữu Chính liên tục bị phát hiện khai thác cát trái phép.

Cụ thể, ngày 14-4-2020, ông bị chủ tịch UBND huyện Hàm Tân (Bình Thuận) ra quyết định xử phạt 11,5 triệu đồng vì chuyển gần 1.000 m2 đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để làm bãi chứa cát và khai thác cát trái phép. Trong quyết định xử phạt, cơ quan này còn buộc ông Chính phải khôi phục hiện trạng ban đầu của thửa đất.

+ Ngày 23-3-2021, ông Chính tiếp tục bị UBND huyện Hàm Tân (Bình Thuận) ra quyết định xử phạt loạt hành vi gồm mua bán khoáng sản không phép, tự ý chuyển 180 m2 đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

+ Tháng 8-2021, UBND xã Sơn Mỹ cũng ra quyết định phạt ông Chính 3,5 triệu đồng vì hành vi hủy hoại đất.

+ Ngày 5-9-2022, ông Chính bị Công an tỉnh Bình Thuận phạt 12,5 triệu đồng vì tàng trữ 110 m3 cát trái phép.

Tại Điều 227 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Theo đó, người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng; b) Khoáng sản trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỉ đồng...

Điều luật này cũng quy định mức hình phạt cao nhất với cá nhân, tổ chức cùng hình thức phạt bổ sung tương ứng với mức thu lợi, giá trị khoáng sản...

Cạnh đó, hành vi trộm cát có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo Điều 228 BLHS.

Ngoài hai tội danh trên thì hành vi khai thác cát trái phép còn hủy hoại cây trồng lâu năm của một số hộ dân. Hành vi này có thể cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 BLHS.

Tất cả dấu hiệu tội phạm này đang được công an làm rõ.

SỔ TAY

“Sa tặc” ở Hàm Tân như thách thức chính quyền, dư luận

Tình cờ, cùng lúc báo Pháp Luật TP.HCM và báo Thanh Niên có loạt bài điều tra việc khai thác đất, cát trái phép ở hai xã, thị trấn khác nhau của huyện Hàm Tân (Bình Thuận).

Việc này không phải mới xảy ra vì người dân ở xã Sơn Mỹ đã từng tố cáo, tố giác đến các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận từ năm ngoái, thậm chí có người còn khởi kiện ra tòa đích danh người lén hút trộm cát tại đất vườn nhà mình.

Còn trên thực tế, ở “công trường sa tặc” xã Sơn Mỹ, hàng trăm hecta đất nông nghiệp bị đào bới thành hàng chục hầm cát loang lổ nằm ẩn khuất dưới cánh rừng tràm. Vẫn có hàng chục người rải khắp các nẻo đường dẫn vào “công trường sa tặc” làm nhiệm vụ cảnh giới, theo dõi và sẵn sàng sửng cồ, đe dọa bất cứ ai để mắt tới việc làm ăn phi pháp của họ.

Theo những thông tin mà chúng tôi có được, từ năm 2021 đến nay, ít nhất ông Ch đã ba lần bị xử phạt vi phạm hành chính, đồng nghĩa chính quyền nắm rất rõ việc khai thác cát trái phép này.

Tuy nhiên, trên thực tế, ở “công trường sa tặc” vẫn thường xuyên có hàng chục máy cày, máy cuốc, xe ben cỡ lớn bơm hút cát vận hành rầm rập ngày đêm với bãi tập kết chứa hàng chục ngàn mét khối cát và người dân tiếp tục tố cáo nhưng việc trộm cát vẫn diễn ra gần như công khai.

Ở “công trường sa tặc” này, đầu tháng 8-2023, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã trực tiếp đi kiểm tra việc khai thác khoáng sản trái phép và sau đó đã chỉ đạo rất cụ thể, yêu cầu huyện Hàm Tân phải chấn chỉnh ngay công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, xử lý...

Thế nhưng chuyện khai thác cát vẫn tiếp diễn.

Lần này, ngay trong ngày Pháp Luật TP.HCM đăng bài đầu tiên của loạt bài điều tra, tỉnh Bình Thuận đã có chỉ đạo, bí thư huyện Hàm Tân cũng yêu cầu UBND huyện nhanh chóng làm rõ.

Ngay sau đó, Công an tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Tân, VKSND cùng cấp khám nghiệm hiện trường để củng cố hồ sơ, xử lý những người liên quan.

Với sự cương quyết, vào cuộc quyết liệt, người dân ở khu vực huyện Hàm Tân tin rằng nạn “sa tặc” ở nơi đây sẽ sớm bị dẹp bỏ, đất đai của người dân không bị biến thành ao, hồ bất đắc dĩ và tài nguyên đất không bị hủy hoại.

Cùng với đó cũng cần làm rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền quản lý liên quan đã để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép quy mô, diện tích lớn trong thời gian qua, kể cả làm rõ có hay không việc lén bán đất của các chủ vườn, chủ rẫy như chỉ đạo của tỉnh Bình Thuận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm